Kỳ họp Quốc hội: Bộ trưởng Công Thương giải trình về các dự án thua lỗ

15:15' - 15/11/2016
BNEWS Sáng 15/11, các đại biểu Quốc hội bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
* Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu 
Phát biểu trước phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Đến ngày 14/11 đã có 89 phiếu chất vấn với 100 câu hỏi của 44 đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thông qua phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được 152 vấn đề đại biểu Quốc hội đề xuất để chất vấn tại kỳ họp này. Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết đã có 2.986 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp này, các đại biểu đã thảo luận rất nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước; qua hoạt động giám sát tối cao đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực, đồng bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác quản lý điều hành. Đây là những cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, trình Quốc hội quyết định nội dung những vấn đề được chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, căn cứ vào quy định của pháp luật, cách thức tiến hành chất vấn được kế thừa, đổi mới theo hướng lấy những vấn đề trọng tâm, những nội dung liên quan đến quản lý điều hành của Bộ trưởng nào, Bộ trưởng đó trực tiếp trả lời. Việc chất vấn và trả lời chất vấn thực hiện theo tinh thần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát, đi đến cùng nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống một cách thiết thực, hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân. 
Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội quyết định việc tiến hành chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ. Các Bộ trưởng trên sẽ trả lời trực tiếp. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong quá trình Thủ tướng trả lời chất vấn, chủ tọa có thể mời các bộ, ngành có liên quan đến vấn đề đó để làm rõ thêm, hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để làm rõ vấn đề. 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý; không đặt câu hỏi mang tính chỉ tìm hiểu thông tin mà hỏi thẳng vào trách nhiệm của Bộ trưởng trong công tác điều hành lĩnh vực, ngành được phân công phụ trách. Trường hợp có những vấn đề cần tranh luận hoặc không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu có thể đưa biển tranh luận. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên Chính phủ trả lời ngắn gọn, đi vào đúng trọng tâm mà đại biểu đặt câu hỏi. Những vấn đề cần số liệu chứng minh, cần có giải trình nhiều có thể nói về chủ trương, chính sách của Bộ, sau đó gửi báo cáo cụ thể cho Quốc hội. 
* Giải trình về các dự án thua lỗ, kém hiệu quả 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Các vấn đề Bộ trưởng tập trung làm rõ gồm: Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế. Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới. 
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn về những sai phạm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả do Nhà nước đầu tư và Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý, những kiến nghị để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước, không để lặp lại tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim". 
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã có đánh giá sơ bộ gửi tới các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng đề cập cụ thể hơn: 5 dự án (gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học của Dung Quất, xơ sợi Đình Vũ) đều có chủ trương đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt. Dự án đạm Ninh Bình không những kéo dài quá trình đầu tư, nay vẫn không quyết toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành. Bộ trưởng chỉ rõ các dự án này có điểm chung là thị trường thế giới có biến động, giá các loại nguyên nhiên liệu có biến động, dầu khí, các sản phẩn từ đầu, dầu thô từ mức hơn 100-147 USD/thùng, hiện chỉ còn khoảng 40 USD/thùng... đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án; các dự án xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn. 
Bộ trưởng nêu rõ điểm chung dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, thứ nhất là năng lực của chủ đầu tư, theo phân cấp của khung pháp lý, các tập đoàn, Tổng công ty 91 khi được phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ đều là người trực tiếp thực hiện, quản lý dự án đầu tư và chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt, phương án đầu tư ... Thứ hai do năng lực hạn chế của các Ban quản lý dự án, các đối tượng trực tiếp được phân công giao nhiệm vụ quản lý dự án. Thứ ba, năng lực trong đàm phán, ký kết, quản lý các hợp đồng để thực hiện dự án này, năng lực và khả năng thực hiện của các nhà thầu. Theo Bộ trưởng, chính sự hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện đã dẫn đến các dự án bị kéo dài, nhiều dự án thực hiện không đúng theo hợp đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, các dự án có vướng mắc, đòi hỏi phải có sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng sự can thiệp này cũng không đem lại hiểu quả vì nhiều lý do.... Chính vì vậy, các dự án này đều có vướng mắc là hiệu quả kinh tế không còn - Bộ trưởng cho biết. 
Nêu giải pháp cho tình trạng này, theo Bộ trưởng Tuấn Anh phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích, tài sản Nhà nước trong các dự án này. Các giải pháp xử lý phải phù hợp với nguyên tắc thị trường và cam kết quốc tế. "Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản... nếu cần thiết" - Bộ trưởng cho biết. Người đứng đầu ngành Công Thương nói thêm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành báo cáo Chính phủ. Cụ thể, các dự án gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, nhiên liệu xăng sinh học..., Bộ đã báo cáo Chính phủ các giải pháp. Sau kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ họp, đưa ra quyết định cụ thể. 
Chưa thấy thỏa đáng với phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh giơ biển tranh luận. Đại biểu "lo ngại" khi nghe Bộ trưởng báo cáo về tình trạng quản lý đầu tư của một số dự án là Bộ cho chủ trương, còn lại khoán trắng, buông lỏng cho doanh nghiệp tự quyết, tự tổ chức đầu tư, đến khi thua lỗ lại báo Chính phủ giải quyết. 
Trả lời phần tranh luận này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Những dự án này đã có quá trình thực hiện kéo dài từ lâu, từ thời điểm các tập đoàn, tổng công ty 91 đang chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ. Do quá trình kéo dài, tính chất công nghệ, tính chất đặc thù từng dự án rất phức tạp nên quá trình đánh giá cụ thể về nguyên nhân và trách nhiệm của từng khâu, bộ phận liên quan đến những nguyên nhân đó, đối chiếu với các khung pháp lý để làm rõ trách nhiệm, cần có thời gian. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, không chỉ Bộ Công Thương, mà còn có Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán và hàng loạt cơ quan liên quan đều tham gia vào đánh giá tổng thể, toàn diện những dự án này với mục tiêu không chỉ là giải quyết triệt để các dự án, mà còn xem xét trách nhiệm, kiện toàn về mặt thể chế nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước, không để tái diễn những trường hợp này. 
Trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về việc sẽ tái diễn câu chuyện dự án lớn không hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, từ sau năm 2012, khi Nghị định 99 được ban hành, các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý các doanh nghiệp trực thuộc và các dự án đầu tư thông qua các doanh nghiệp đó. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các dự án đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ... sẽ được xem xét trong khuôn khổ pháp luật ở thời điểm đó. "Chúng tôi cần có thời gian hoàn tất những công việc này, báo cáo Chính phủ phương án xử lý dứt điểm và sẽ báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau", Bộ trưởng nhấn mạnh. 
* Có sự phân khúc trong quản lý nhà nước về phân bón 
Vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là phân bón giả là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi trong phiên chất vấn. Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông) về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng có vấn đề rất lớn liên quan đến quản lý nhà nước về thị trường phân bón. Hiện nay, thị trường phân bón ở Việt Nam có sự phân khúc và chia đôi trong công tác quản lý. Quản lý phân bón vô cơ giao cho Bộ Công Thương; phân bón hữu cơ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý bao gồm từ cấp phép sản xuất, sản xuất, rồi sau đó hợp quy, công bố hợp quy và quản lý kinh doanh. Theo Bộ trưởng, với việc hai Bộ cùng tham gia quản lý phân bón dẫn đến tình trạng chồng chéo. 
Bộ trưởng cũng nêu lên một thực tế là Việt Nam đang tồn tại quá nhiều loại phân bón. Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hơn 5000 hợp quy dành cho các loại phân bón hữu cơ và Bộ Công Thương có hơn 5700 hợp quy khác dành cho các phân bón vô cơ. "Vì vậy dẫn đến tình trạng trên thực tế ở thị trường, các loại phân bón có rất nhiều, trong khi cơ quan quản lý nhà nước không có đủ nguồn lực để kiểm soát chất lượng, hàm lượng, định lượng của những sản phẩm phân bón này..."- Bộ trưởng nêu. 
Để khắc phục điều này, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều đợt phối hợp làm việc. Mới đây nhất, hai bộ báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét giao trách nhiệm quản lý về thị trường phân bón và các mặt hàng phân bón cho một cơ quan duy nhất. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan phải phối hợp tổ chức lại thị trường phân bón theo hướng giới hạn các loại mặt hàng phân bón được sản xuất kinh doanh. Bộ trưởng dẫn dụ Thái Lan có nền nông nghiệp phát triển cũng chỉ có hơn 100 loại phân bón được quy hoạch. Bộ trưởng nêu, phải tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt là các lực lượng như quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, công an kinh tế… để đấu tranh chống phân bón giả, chống phân bón kém phẩm chất, phân bón lậu. Cơ quan chức năng phải sớm xây dựng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn quốc gia cũng như các tiêu chuẩn để thống nhất quản lý nhà nước trong phân bón, tạo điều kiện để ngành sản xuất phân bón phát triển một cách bền vững về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về môi trường, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. 
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Công Thương đang xây dựng và khẩn trương hoàn chỉnh để có thể trong đầu năm 2017 sẽ gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để thông qua hệ thống 16 bộ quy chuẩn quốc gia cho các loại phân bón, qua đó thống nhất về vấn đề này. Cùng với đó, Bộ trưởng cho biết còn rất nhiều việc khác rất cần sự phân cấp và vai trò của chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý tận gốc các hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón. "Cần có sự quản lý tận gốc để không cho những cơ sở nhỏ lẻ cũng như những cơ sở có dấu hiệu gian lận, sản xuất kinh doanh những sản phẩm phân bón giả, kém phẩm chất gây thiệt hại cho nền kinh tế và người tiêu dùng."- Bộ trưởng nêu. 
Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, thiệt hại mà phân bón giả và kém chất lượng gây ra cho hơn 60 triệu nông dân là rất lớn. Đại biểu nêu câu hỏi: Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ về vấn đề này như thế nào? 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, ngoài những tồn tại, vướng mắc do sự chồng lấn và giao thoa giữa hai Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phân bón vô cơ và hữu cơ, trên thực tế đã có những tồn tại, sai phạm trong hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón, cụ thể là các mặt hàng phân bón giả, kém phẩm chất. 
Về vai trò quản lý Nhà nước trong việc chỉ định các tổ chức xác nhận và công bố hợp quy các sản phẩm phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tổ chức thanh tra, phát hiện những sai phạm. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, sau khi có những thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh tra hoạt động chỉ định các tổ chức xác nhận phân bón, đồng thời tiếp thu những thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng và từ thực tế công tác tổ chức kiểm tra hoạt động của cơ quan chức năng, Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra hai đợt trong tháng 5 và tháng 6/2016, phát hiện hai tổ chức xác nhận sai phạm hoạt động về chứng nhận. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định rút giấy phép của các tổ chức đó; yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp, xử lý hậu quả gây ra. Bộ giao các đơn vị khẩn trương, chủ động rà soát lại hệ thống căn cứ quy định pháp luật thực hiện chỉ định tổ chức xác nhận, tổ chức công bố hợp quy. 
Trước mắt, Bộ trưởng cho biết, ngoài việc hoàn thiện sớm hệ thống quy chuẩn mới về sản phẩm phân bón gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để thẩm định phê duyệt, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để ổn định trong việc quản lý phân bón, xây dựng chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ và tổ chức phân cấp cho chính quyền các địa phương trong thực hiện quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón tại địa phương. 
Giải trình thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết có hai vấn đề lớn đang nổi lên. Đầu tiên là bất cập về định hướng sử dụng phân bón. Cho đến nay, hàng năm, Việt Nam sử dụng khoảng 10-11 triệu tấn phân bón, khả năng sản xuất trong nước đạt từ 8-9 triệu tấn, nhập khẩu từ 2-2,5 triệu tấn. Định hướng sử dụng trong tổng số 11 triệu tấn phân chỉ có 1 triệu tấn là phân hữu cơ, còn tới 90% lượng phân sử dụng là phân hóa học. Đây là bất cập lớn nhất làm cho nông sản Việt Nam không sạch, chất lượng không cao, ô nhiễm môi trường, giảm độ phì nhiêu của đất. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn nông nghiệp Việt Nam không thể có giá trị cao. “Trách nhiệm của ngành là định hướng vào phân hữu cơ, từng bước chuyển sang nền nông nghiệp sạch. Điều này thể hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng sản phẩm nông nghiệp sạch, hội nhập với quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 
Việc chuyển hướng quản lý từ danh mục trước kia sang quản lý theo tiêu chuẩn như quy định tại Nghị định 202, nảy sinh một số vấn đề bất cập. Theo đó, Nhà nước, cơ quan quản lý phải có một bộ tiêu chuẩn làm cơ sở khẳng định để các tổ chức kinh doanh đăng ký theo tiêu chuẩn đó. Bộ tiêu chuẩn này không thể đầy đủ ngay được mà cần có thời gian. 
Bên cạnh đó, theo Nghị định 202, hai Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý về phân bón. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quản lý phần phân bón hữu cơ và phân bón khác (phân vi sinh, phân mùn); Bộ Công Thương quản lý toàn bộ phân vô cơ từ khâu kiểm tra, cấp phép, thanh tra. Sự song trùng này dẫn đến một kẽ hở là hầu hết các cơ sở sản xuất phân bón của Việt Nam và kinh doanh hiện nay đều cùng là phân vô cơ và hữu cơ. Cũng theo Nghị định 202, nếu một cơ sở sản xuất kinh doanh cả hai loại phân, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xem xét cấp phép cũng như thanh kiểm tra sau này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu hai Bộ phối hợp không tốt sẽ xảy ra các hoạt động gian dối về thương mại. Nêu kiến nghị về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về quản lý hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chỉnh sửa Nghị định 202. Nếu sau này giao cho Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, nhân lực để tập trung một mối quản lý và ngược lại, nhằm đảm bảo nguyên tắc và thống nhất. Giải pháp thứ hai là tập trung xây dựng các văn bản pháp luật về quản lý sản phẩm phân bón. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn để phục vụ công tác quản lý.... 
* Bảo đảm an toàn khi xả lũ 
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về những bất cập trong vận hành xả lũ tại các công trình thủy điện. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu ngày 25/5/ 2011, thủy điện An Khê đã bất ngờ xả lũ làm cho người dân vùng hạ lưu thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tháng 11/ 2013 người dân thị xã An Khê cũng thiệt hại trên chục tỷ đồng. Ngày 1/11 vừa qua cũng xả nước, không thông báo làm cho người dân ngập trong lũ... Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết xử lý những vi phạm này như thế nào; việc rà soát công trình thủy điện theo Nghị quyết 62 được thực hiện đến đâu... 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có báo cáo dài gần 20 trang về triển khai Nghị quyết 62 của Quốc hội, trong đó có báo cáo đầy đủ, toàn diện về các nội dung liên quan đến triển khai Nghị quyết 62, cả công tác quy hoạch, cho đến công việc thông qua chủ trương đầu tư, quản lý đầu tư và phân cấp quản lý tại các địa phương, bảo đảm an toàn thủy điện và quy trình xả lũ, các phương án chống lụt ở hạ du… 
Bộ trưởng khẳng định: Đối với thủy điện Hố Hô và các thủy điện, "chúng ta không phát triển thủy điện, năng lượng bằng mọi giá. Đây là quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đối với thủy điện, những thủy điện vừa và nhỏ đã căn cứ theo Nghị quyết 62, xem xét đưa ra khỏi quy hoạch những dự án không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống nhân dân"- Bộ trưởng khẳng định. 
Bộ trưởng cho biết hiện nay có hơn 336 dự án thủy điện, qua quá trình quản lý, xây dựng và phát triển, chức năng quản lý nhà nước trong dự án về thủy điện và các đập thủy điện được phân bổ cho một loạt bộ, ngành nhưng Bộ Công Thương là bộ quản lý nhà nước và chủ đạo trong các lĩnh vực năng lượng, thủy điện. Ngoài ra, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham gia quản lý trong các khía cạnh khác. 
Xoay quanh vấn đề bảo đảm an toàn khi xả lũ, Bộ trưởng cho biết có 3 vấn đề: Một là, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Ủy ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, có phương án phê duyệt tại địa phương chủ động tham gia. Hai là, quy trình xả lũ có quy định theo nghị định của Chính phủ, theo đó, đối với đập thủy điện có dung tích 1 triệu m3 trở lên và công suất từ 30 KW trở lên do Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt quy trình xả lũ. Thứ ba, các đập thủy điện và các doanh nghiệp cùng với địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ ở hạ lưu và bảo đảm cho hạ lưu khi xả lũ. Nếu đủ 3 yếu tố này, các đập thủy điện và chủ đầu tư dự án mới được cấp giấy phép hoạt động điện lực. 
Từ khi có nghị định năm 2013, các cơ quan chức năng đã đôn đốc kiểm tra, tổ chức thực hiện quy định pháp luật về các trường hợp này, thủy điện Hố Hô và các đập thủy điện khác cũng phải bảo đảm quy định của nhà nước về an toàn xả lũ thì mới được hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có trường hợp xả lũ gây ra bức xúc trong dư luận xã hội, trong đó có xả lũ ở thủy điện Hố Hô… Khi xảy ra, Bộ Công Thương đã chủ động cử đoàn đi kiểm tra để đánh giá cụ thể. Trên thực tế, Bộ trưởng đánh giá quy trình xả lũ đã có nhưng thực hiện máy móc, cứng nhắc. Như quy tắc xả lũ, chủ đập phải thông báo cho địa phương, nhưng lại không thông báo vì lý do mất điện… dẫn đến phối hợp không tốt giữa chủ đập và chính quyền địa phương. Thứ hai, trong phòng chống lụt bão, các phương án phòng chống, lụt bão đã có nhưng không diễn tập dẫn đến khi xảy ra lúng túng trong xử lý. Việc phối hợp giữa chủ đập các nhà máy với địa phương chưa chặt chẽ. Do đó, một số địa phương ở hạ lưu không có được thông tin - Bộ trưởng cho biết. Thứ ba, trong thực hiện, việc theo dõi dự báo thời tiết, đặc biệt là hệ thống quan trắc của các thủy điện không đảm bảo, không có sự đầu tư vào quan trắc... dẫn đến thông báo không kịp thời cho các doanh nghiệp, các địa phương trong theo dõi phối hợp xả lũ. 
Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ Công Thương tập trung rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình xả lũ cũng như phối hợp phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn cho hạ du; kiểm tra lại toàn bộ hoạt động phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn thủy điện, xả lũ tại địa phương. Đồng thời, Bộ xem xét, tổ chức tập huấn làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia, chính quyền địa phương, chủ đập, chủ doanh nghiệp vào quá trình này, đi kèm với đó là các chế tài. Các doanh nghiệp nếu không đủ điều kiện, có vi phạm pháp luật sẽ xem xét và cấm không cho tham gia, rút phép các dự án đó. Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp khu vực hạ du trong việc chủ động phương án phòng chống lụt bão, có sự tham gia của các doanh nghiệp, các đối tác khác, bảo đảm an toàn kinh tế, sinh hoạt của nhân dân. 
Chưa bằng lòng với phần trả lời của Bộ trưởng về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Dung đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ xử lý vi phạm như nào để tình trạng này không tái diễn? 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã rà soát, kiểm tra, đánh giá trên thực tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Qua kiểm tra chúng tôi được biết Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh không được biết thông tin này vì thủy điện không báo tới Bí thư Tỉnh ủy mà báo cho Ủy ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương theo quy định pháp luật. Ủy ban Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trong việc điều hành các hoạt động về phòng chống lụt bão cũng như kiểm tra hoạt động của thủy điện trong xả lũ". Theo Bộ trưởng Công Thương, qua kiểm tra cho thấy, Thủy điện Hố Hô có báo cho các lãnh đạo địa phương và các xã ở vùng hạ du nhưng do mất điện hoặc do một số hiện trạng từ thực tế nên thông tin không đến được đầy đủ tới Chủ tịch UBND các xã tại địa phương. Đánh giá tổng thể cho thấy, bản thân quy trình xả lũ cũng có vấn đề trong việc đảm bảo an toàn khi xả lũ xuống hạ du. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt các quy trình xả lũ, cũng như những quy định liên quan đến đảm bảo an toàn của địa phương khi thực hiện các hoạt động xả lũ của thủy điện; đồng thời xem xét việc tham gia các hoạt động phòng chống thiên tai của các thủy điện ở địa phương và báo cáo đầy đủ với Quốc hội./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục