Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Nuôi dưỡng nguồn thu và kiểm soát tốt các khoản chi

20:40' - 01/11/2016
BNEWS Hầu hết các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần kiểm soát tốt các khoản thu, tăng cường kỷ cương tài chính và chia sẻ của địa phương với khó khăn chung.

Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 và dự toán NSNN cũng như phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 được nhiều đại biểu tham gia thảo luận trong phiên họp chiều ngày 1/11 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Kiểm soát tốt các khoản thu, tăng cường kỷ cương tài chính và chia sẻ của địa phương với khó khăn chung là những nội dung được phóng viên TTXVN ghi nhận.

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang - đoàn Đà Nẵng: Kiểm soát việc giao dịch có hóa đơn

Chính phủ đã rất nỗ lực với các biện pháp đẩy mạnh thu NSNN, năm sau có hơn năm trước. Tuy nhiên, hiện thu NSNN vẫn chưa quyết liệt, chưa sát với thực tế phát triển của xã hội. Thu NSNN chưa đủ trong điều kiện bội chi, không đủ bù cho các khoản đầu tư mới.

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Việc thu NSNN chưa đủ thể hiện ở một số khoản thất thu như buôn lậu vẫn diễn ra tràn lan tại một số tỉnh biên giới, khiến sản xuất khó khăn, doanh nghiệp chịu sức ép cạnh tranh, ví dụ như mặt hàng thuốc lá. Cùng đó là việc quản lý các dự án BOT chưa chặt chẽ, các chủ đầu tư nâng giá đầu tư, tăng phí… hay như chưa thu nghiêm, thu đủ thuế thu nhập cá nhân.

Có một thực tế đang diễn ra phổ biến là nhiều giao dịch không xuất hóa đơn, chỉ xảy ra khi sử dụng tiền NSNN và khi doanh nghiệp cần để hoạch toán, khấu trừ thuế của đơn vị mình. Khi giao dịch thông thường thì người mua không hỏi mà người bán cũng không xuất hóa đơn. Qua kiểm tra chặt việc xuất hóa đơn tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh cho thấy số thu thuế của đơn vị đó tăng gấp 4-5 lần so với trước khi được kiểm tra, giám sát.

Nhiều người ước tính, nguồn thất thu của nhà nước phải rơi vào khoảng 15 - 20% tổng thu NSNN mỗi năm. Bởi vậy, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để chống thất thu. Đối với người dân, cần tuyên truyền về trách nhiệm và quyền lợi khi giao dịch có hóa đơn; quản lý chặt việc sử dụng hóa đơn; có giải pháp quản lý chặt việc khai thác nguồn tài nguyên; cần chế tài xử lý nghiêm khắc, thậm chí có thể đưa vào xử lý hình sự.

Tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao dịch bắt buộc phải xuất hóa đơn, căn cứ vào đó thu đủ thuế sẽ giúp tăng nguồn thu NSNN.

Về điều tiết NSNN, nếu như tăng tỷ lệ điều tiết quá cao, đột ngột và bất ngờ sẽ khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn. Khi áp dụng cần tính đến sự phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, tránh tạo áp lực tăng thu thuế doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các hộ kinh doanh trên địa bàn… Bởi như vậy sẽ đi ngược lại chủ trương hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Đoàn Hà Nội: Tăng cường kỷ cương tài chính

Pháp luật về tài chính ngân sách nợ công ngày càng được Quốc hội, Chính phủ quan tâm và ưu tiên hoàn thiện. Tuy nhiên, tình hình quản lý NSNN, điều tiết, phân bổ vẫn còn là áp lực lớn đối với việc điều hành của các cấp ngành.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Báo cáo của Chính phủ nhiều năm qua cho thấy, kỷ luật kỷ cương tài chính chưa nghiêm, chi vượt dự toán, chi chưa có dự toán còn lớn; phân bổ nguồn lực dàn trải, phân bổ nợ công tăng cao, chưa kể còn khoảng 80 nghìn tỷ đồng phát sinh trong quá trình điều hành mà NSNN chưa bố trí được nguồn trả nợ. Đáng chú ý là 22 nghìn tỷ đồng nợ quỹ bảo hiểm xã hội phải trả cho người lao động, gần 40 nghìn tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa bố trí chuyển các năm tiếp theo…

Tuy nhiên, các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước cho đến nay Chính phủ vẫn chưa thống kê và báo cáo đầy đủ lên Quốc hội. Đây cũng chính là vấn đề mà cử tri và đại biểu Quốc hội lo ngại. Vì sao cơ quan quản lý ngân sách quốc gia lại không nắm được thực chất các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước là câu hỏi được đặt ra. Phải chăng đây là lỗ hổng về pháp lý và cần nghiêm túc xử lý?

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã tập trung thanh tra kiểm toán các tập đoàn, kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp sử dụng vốn và tài sản nhà nước dễ nảy sinh sai phạm đã phát hiện hơn 135 nghìn tỷ đồng sai phạm, kiến nghị thu hồi trên 53 nghìn tỷ đồng… Bức tranh quản lý NSNN sử dụng vốn và đầu tư công còn nhiều bất cập. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công chưa cao, tỷ lệ nợ xấu khó thu hồi gia tăng…

Đây là lần đầu tiên Chính phủ báo cáo thẳng thắn những khó khăn về vấn đề quản lý thu chi ngân sách và nợ công cũng như các khoản nợ khác. Tuy nhiên, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục có báo cáo cụ thể, chi tiết rõ ràng về nợ công, nợ xấu với từng địa chỉ, số lượng và cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan. Cùng đó là chỉ ra nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, nợ công của từng địa chỉ đó.

Đại biểu Trần Thị Hằng - Đoàn Bắc Ninh: Các địa phương chia sẻ khó khăn với Chính phủ

Dự toán phân bổ NSNN có ý nghĩa lớn đối với việc cân đối các nguồn lực thực hiện mục tiêu kinh tế, xã hội phát triển cả giai đoạn 5 năm tới. Về phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi đã được quy định cụ thể rõ ràng, phù hợp, khuyến khích các địa phương cải thiện môi trường đầu tư; tạo điều kiện cho các địa phương chủ động phân bổ, huy động nguồn lực cho dài dạn, trung hạn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Định mức phân bổ đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước; đáp ứng cơ bản nhu cầu của địa phương. Các tiêu trí rõ ràng, đã tăng tính công khai, minh bạch. Hệ thống định mức phân bổ đã thể hiện sự ưu tiên dành cho vùng sâu, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc có nhiều khó khăn, mật độ dân số thấp; quan tâm đến đặc thù đô thị, khu công nghiệp để có cơ chế khuyến khích các vùng kinh tế trọng điểm, những địa phương có tốc độ và khả năng tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững…

Tuy nhiên, nguồn thu NSNN gặp nhiều khó khăn do chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan như giá dầu thô, xuất nhập khẩu… Thu NSNN chủ yếu phụ thuộc thu nội địa, trong khi dự toán nội địa đang xây dựng ở mức cao so với dự kiến tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy bội thu không thể tăng thêm; trong khi đó, NSNN còn khó khăn vừa phải cân đối phát triển kinh tế, vừa giải quyết các vấn đề xã hội…

Hiện Chính phủ đã điều chỉnh các con số mục tiêu đến giới hạn và khó điều chỉnh tiếp. Chia sẻ khó khăn của Chính phủ, các địa phương cần cân đối ngân sách, sắp xếp lại các khoản chi, quản lý NSNN chặt chẽ, hiệu quả để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, thu NSNN năm 2017 đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ về sản lượng khai thác dầu thô, giá dầu thô cũng như việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, nên chọn lọc và chưa nên thoái vốn các doanh nghiệp có đóng góp nguồn thu cao cho ngân sách. Việc thoái vốn cũng cần minh bạch, đảm bảo đúng định hướng.

Xem thêm:

>> Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Bảo đảm phân bổ ngân sách cân bằng giữa các địa phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục