Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Cần nghị quyết đặc thù để quản lý đất tại đặc khu

19:55' - 04/06/2018
BNEWS Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng theo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng, tương lai phát triển là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chưa có giải pháp để phòng ngừa tình trạng này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Đăng đàn trong phiên chất vấn chiều 4/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhận được câu hỏi của các đại biểu về hiện tượng đầu cơ đất đai tại 3 địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế; tình trạng quản lý đất đai yếu kém tại nhiều nơi… và giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này. 
* “Sốt đất” tại 3 đặc khu: Năng lực quản lý chưa theo kịp các giao dịch ngầm 
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), quản lý đất đai luôn là vấn đề phức tạp, khó, nhạy cảm đòi hỏi phải trách nhiệm sáng suốt và có tầm nhìn. Hiện nay, thị trường đất đai ở các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội. “Bộ trưởng có biết chuyện đó không? Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương đã giải quyết vấn đề này như thế nào?” - đại biểu nêu câu hỏi. 
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng heo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng, tương lai phát triển là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chưa có giải pháp để phòng ngừa tình trạng này. 
Theo Bộ trưởng, vừa qua cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn, nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch “ngầm”. Cách đây mấy năm, đất đai ở khu vực quy hoạch làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán “ngầm” vẫn diễn ra. Vấn đề “sốt đất” là đương nhiên, nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đối mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp thời. 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ, việc đưa ra nội dung trong Chỉ thị của các UBND về dừng chuyển nhượng đất đai tại một số địa phương là không phù hợp pháp luật hiện nay. Thay vào đó, ông đề nghị, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai tại các đặc khu sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, thời điểm này, các địa phương cần xem lại hồ sơ đất đai để quản lý chặt, từ đó, tính toán đền bù đảm bảo công bằng, để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai như vừa qua. 
*70% khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai 
Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu quan điểm: Thời gian qua, vấn đề khiếu nại, tố cáo về đất đai luôn chiếm tỷ lệ lớn trên 70%, là nguyên nhân chính gây bức xúc trong nhân dân, làm mất trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển nhiều địa phương do ưu đãi đầu tư đã giao hàng vạn hecta đất cho tổ chức doanh nghiệp xây dựng dự án khu đô thị, khu du lịch làm mất quyền tiếp cận chính đáng của người dân với biển, gây khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính và giải pháp khắc phục cơ bản vấn đề này. 
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Tạ Văn Hạ chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Thừa nhận khiếu nại về đất đai là vấn đề nhức nhối, bức xúc, gây mất an ninh, trật tự xã hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề này có từ 30-40 năm về trước. Bộ Tài nguyên và Môi trường trung bình mỗi năm nhận được từ 3- 4 nghìn đơn thư khiếu nại, tập trung vào ba nhóm vấn đề: Thứ nhất liên quan đến giá, công bằng hay không công bằng, tính đúng hay không tính đúng thị trường. Thứ hai là trình tự, thủ tục xử lý liên quan đến quyền lợi của người dân. Cuối cùng là việc cấp giấy quyền sử dụng đất, trách nhiệm của người dân phải đóng góp về kinh phí. Theo Bộ trưởng, để giải quyết tình trạng này cần tập trung rà soát từng vấn đề, xem xét nguyên nhân khiếu nại, đồng thời điều chỉnh phương pháp tính giá để đảm bảo quyền lợi của người dân. 
Về câu hỏi giao quá nhiều đất cho nhà đầu tư ven biển khiến dân mất sinh kế, Bộ trưởng cho biết, Đà Nẵng là địa phương điển hình. Vừa qua Tỉnh uỷ, HĐND thành phố Đà Nẵng đã giải quyết rốt ráo việc này. Nguyên lý áp dụng là giới hạn từ đường ranh giới chiều cao trở vào trong 100 m không đầu tư những công trình mang tính chất thương mại, kinh tế. Việc xử lý như Đà Nẵng để lập lại trật tự là cần thiết. "Bờ biển là của chung, không phải sở hữu của tổ chức nào. Quan điểm của Bộ là cần chấn chỉnh và lập lại quy hoạch", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định. 
*Xem xét, rà soát lại quỹ đất 
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề cập đến tình trạng quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế và chất vấn Bộ trưởng về giải pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất không đúng, sai mục đích này. 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn chỉ rõ, quản lý đất đai là vấn đề yếu kém. Trên thực tế việc quản lý theo quy hoạch, các đất công chưa sử dụng giao cho các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước… Công tác quản lý chưa thực hiện quyết liệt nên không đánh giá đầy đủ về nguồn lực này, dẫn đến việc sử dụng chưa đúng mục đích, sử dụng đất lãng phí. Nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn nhưng không hiệu quả. 
Về biện pháp, Bộ trưởng cho rằng cần sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, quy định hiện hành, đặc biệt đã có Luật Đất đai 2013 cho phép thu hồi các dự án vi phạm. Thời gian qua, Hà Nội và 3 địa phương khác đã thu hồi hơn 77.000 ha các dự án có quyết định phê duyệt nhưng đầu tư chậm, không đạt tiến độ để đất đai lãng phí, sai mục đích, thu hồi lại và đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư khác. Ngoài ra, phải xây dựng chỉ tiêu năng lực nhà đầu tư, cơ chế tài chính, tiến độ đầu tư…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục