Kỳ vọng xuất khẩu bứt phá những tháng cuối năm

11:25' - 02/07/2018
BNEWS Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang duy trì xu hướng thuận lợi, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước.

Nửa chặng đường năm 2018 đã kết thúc với kết quả xuất khẩu khá tích cực, tạo đà tốt để Việt Nam tiếp tục xuất siêu cả năm và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đáng lưu ý, quy luật cho thấy lượng đơn hàng thường rơi vào các quý cuối năm sẽ tăng thêm sức bật cho xuất khẩu chinh phục đỉnh cao mới.

Theo nhận định từ giới phân tích, với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang duy trì xu hướng thuận lợi, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước.

Kết quả vượt trội

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong số này, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2017; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo ông Trần Thanh Hải, hiện đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt nhóm nông sản, thủy sản đóng góp 5 mặt hàng.

Đáng lưu ý, những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt, may, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép các loại.

Ngoài ra, cơ cấu xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, xuất khẩu các sản phẩm thô và các ngành khoáng sản đang giảm dần với tỷ trọng chiếm 1,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (năm 2017 chiếm 2,5%), giảm so với 2,5% của 6 tháng đầu năm 2017.

Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các sản phẩm ngành nông sản, thủy sản đang được cải thiện với tỷ trọng hai nhóm hàng này đạt lần lượt là 11,8% và 81,9% (tỷ lệ này năm 2017 lần lượt là 12,5% và 80,2%).

Không dừng lại ở đó, Việt Nam cũng tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Điều này thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng 9,2%, EU tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 28%, Hàn Quốc tăng 31,8%, ASEAN tăng 17,4%,…

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng ghi nhận đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung như: Ấn Độ tăng 96,6%, Irắc tăng 27,9%, Ukraina tăng 21,1%, Australia tăng 22,4%, Nga tăng 25,4%...

Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 46 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 14,6 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 15,7 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 12,9 tỷ USD.

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, kết quả xuất khẩu này cũng cho thấy những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia và nguy cơ của một cuộc chiến thương mại toàn cầu trong những tháng đầu năm 2018 trước mắt chưa có tác động nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam.

Chế biến tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN

Chờ đợi kỳ tích mới

Để có được những kết quả này, theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) một phần không nhỏ là nhờ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng tích cực... đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Bên cạnh việc hưởng lợi lớn từ các FTA đã ký kết, nhiều mặt hàng chủ lực nhận được đơn hàng đến hết quý III và cho cả năm 2018 đã mở ra kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến.

Đáng lưu ý, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đang có sự thay đổi tích cực theo hướng có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu từ các thị trường khó tính có đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa.

Hoạt động sản xuất sản phẩm linh kiện điện tử tại Công ty TNHH TPR Việt Nam tại KCN Vsip 2 Bình Dương. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Tuy nhiên, ông Dương Duy Hưng cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản trong xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng khiến các mặt hàng công nghiệp đứng trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cùng đó, nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về lượng xuất khẩu, trong khi một số khác lại không phát huy hết công suất chế biến xuất khẩu do thiếu hụt về nguyên liệu.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu.

Theo ông Dương Duy Hưng, Bộ xác định tiếp tục tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế.

Cùng với đó, thay đổi một cách căn bản hơn việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất.

Cùng với đó, tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Đặc biệt, Bộ Công Thương tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA; triển khai các cam kết hội nhập quốc tế, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam luôn hiệu quả và bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục