Lãi suất huy động tăng giảm trái chiều xuất phát từ nhu cầu vốn

14:33' - 22/11/2017
BNEWS Việc thay đổi lãi suất huy động của các ngân hàng có thể xuất phát từ nhu cầu về vốn khác nhau.
Lãi suất huy động tăng giảm trái chiều xuất phát từ nhu cầu vốn. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Trước động thái hạ lãi suất huy động mới đây của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhiều chuyên gia cho rằng, đây có thể là tín hiệu tốt, kéo theo các ngân hàng khác hạ lãi suất giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu vào, từ đó lãi suất cho vay cuối năm cũng "hạ nhiệt".

Tuy nhiên, theo biểu lãi suất mới cập nhật thì cả Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) lại đang điều chỉnh theo hướng ngược lại.

Cụ thể, các khoản tiền gửi VNĐ tại BIDV kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được áp dụng mức lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ.

Lãi suất áp dụng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm - tương đương với kỳ hạn 6 tháng trước đây. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 364 ngày trở lên ngân hàng BIDV áp dụng mức lãi suất từ 6,8 - 6,9%/năm.

Trong khi đó, VietinBank mới đây cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 đến 9 tháng được hưởng lãi suất 5,8%/năm (thay vì 5,5 - 5,7% như trước đó); kỳ hạn 12 tháng cũng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 7% đối với kỳ hạn trên 36 tháng.

Với sự điều chỉnh này, lãi suất các kỳ hạn của BIDV và VietinBank đang ở mức tương đương và cao hơn hẳn mặt bằng lãi suất của Vietcombank.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, việc thay đổi lãi suất huy động của các ngân hàng có thể xuất phát từ nhu cầu về vốn khác nhau.

Ngoài ra, thanh khoản đang có dấu hiệu căng thẳng tạm thời do đang là thời điểm nhu cầu về vốn trong nền kinh tế tăng cao, phục vụ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu chi trả lương, thưởng cuối năm của các cơ quan, doanh nghiệp.

Do vậy, xu hướng tăng lãi suất để hút tiền gửi và sẵn sàng cho nguồn vốn vay cũng không có gì bất thường.

Mặt khác, nhiều ngân hàng vẫn muốn "giữ chân" khách hàng nên việc điều chỉnh lãi suất cạnh tranh là điều dễ hiểu, ông Hiếu cho hay.

Từ cuối quý III/2017, nhiều ngân hàng nhỏ đã tăng nhẹ lãi suất hoặc áp dụng các "chiêu" khuyến mãi, quà tặng để hút tiền gửi, chuẩn bị nguồn vốn cho dịp cuối năm. Với động thái mới của các ngân hàng lớn, các chuyên gia tài chính dự đoán có thể các ngân hàng nhỏ sẽ có thêm nhiều chương trình hấp dẫn để thu hút người gửi tiền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục