Lãi suất thấp tại châu Âu "gây khó" cho Italy

13:31' - 13/04/2016
BNEWS Quyết định cắt giảm lãi suất của ECB đã một lần nữa đặt Chính phủ Italy của Thủ tướng Matteo Renzi trước thử thách mới.
Quyết định này của ECB đã một lần nữa đặt Chính phủ Italy của Thủ tướng Matteo Renzi trước thử thách mới. Ảnh: Guardian

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trung tuần tháng Ba vừa qua đã có động thái làm thị trường bất ngờ khi cắt giảm lãi suất chủ chốt nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cụ thể, ECB đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 0,05% xuống 0%, trong khi lãi tiền gửi ngân hàng đã giảm từ -0,3% xuống -0,4%.

Hành động giảm lãi suất thấp kỷ lục của ECB nằm trong chuỗi các biện pháp nhằm bảo vệ Eurozone chống lại nguy cơ giảm phát, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực này.

Tuy nhiên, quyết định này của ECB đã một lần nữa đặt Chính phủ Italy của Thủ tướng Matteo Renzi trước thử thách mới. Cho đến nay, Italy vẫn là một trong những nước thành viên EU có mức nợ công cao và được các chuyên gia kinh tế của ECB đánh giá là "đặc biệt dễ tổn thương một khi thị trường tài chính bị mất ổn định, khả năng thích ứng hạn chế trước các tình huống xấu xảy ra bất ngờ".

Với môi trường lãi suất hiện nay, trong tình trạng khó khăn về tiền mặt, các ngân hàng Italy sẽ đối mặt với nguy cơ không thể đáp ứng được nhu cầu vay có xu hướng tăng đột biến để chi tiêu hoặc đầu tư; chưa tính tới các khoản vay mang tính chất "cơ hội".

Trước mắt, các biện pháp mà ECB đưa ra sẽ tác động ngay đến các ngân hàng và thị trường bất động sản không chỉ ở Italy mà trong toàn khối Eurozone.

Các chuyên gia của ECB cũng nhận định rằng, mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng tăng trưởng kinh tế của những quốc gia như Italy là chậm và thiếu hài hòa hơn so với dự kiến. Đây cũng là lý do kéo chậm lại mức hồi phục tăng trưởng chung của cả Eurozone.

Các chuyên gia nhận định để đạt được kết quả rõ rệt trong tiến trình phục hồi nền kinh tế, các nước thành viên Eurozone không nên phụ thuộc quá nhiều vào ECB, mà nên tập trung hơn vào cải cách cơ cấu và kích thích tài chính, kinh tế.

ECB dự kiến sức tăng trưởng của Eurozone năm 2016 dao động trong khoảng1,4-1,7%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục