Làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển?

13:25' - 23/08/2017
BNEWS Muốn tăng cường hiệu quả các biện pháp phục vụ doanh nghiệp thì phải bảo đảm thực hiện đầy đủ quy định, nội dung cũng như chỉ đạo của Chính phủ và đúng tiến độ đề ra.
Ap lực từ những khoản thuế, phí đang là một “rào cản lớn” của doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 23/8 đã diễn ra Toạ đàm "Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. Tọa đàm ghi nhận các ý kiến và nhận định về tình hình doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh và việc tuân thủ quy định, pháp luật kinh doanh Nhà nước của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Ngô Văn Điểm cho biết, đến nay doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận nhiều loại chi phí, cả về thời gian và vật chất bất hợp lý; riêng chi phí không chính thức là một vấn nạn, khi có tới 9 - 11% doanh nghiệp được hỏi xác nhận từng bỏ ra khoảng 10% doanh thu để đáp ứng loại chi phí này.

Bên cạnh đó, tình trạng dựa vào quan hệ, hình thành “chủ nghĩa thân hữu” để tiếp cận nguồn lực, thu về những lợi ích có tính chất đặc quyền đã làm méo mó thị trường, gây bất bình đẳng trong kinh doanh. Bên cạnh đó, thời gian để tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vẫn là gánh nặng, vấn đề đối với doanh nghiệp...

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng, thời gian qua Chính phủ luôn tập trung cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thể hiện rõ trong nội dung các Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Các cơ quan quản lý đã vào cuộc, thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả thu về chưa đạt như kỳ vọng, mong muốn của doanh nghiệp và đến nay chất lượng môi trường kinh doanh vẫn còn khoảng cách so với các nước ASEAN.

Hiện các bộ, cơ quan quản lý đang tiếp tục rà soát, phát hiện những gì bất hợp lý trong quy định về điều kiện kinh doanh, nhằm loại bỏ “giấy phép con”, nhưng tốc độ còn chậm. Các chuyên gia cho rằng, cách làm này khó đạt hiệu quả cao bởi điều đó có nghĩa cơ quan quản lý phải xem lại chính những gì mình đã nghiên cứu, ban hành.

Ngoài ra, không loại trừ tâm lý “tạo thuận lợi cho bên quản lý và đẩy khó khăn cho bên thực hiện” của cơ quan, cá nhân người làm công tác rà soát.

Do đó, theo các chuyên gia cần thành lập cơ quan độc lập, trực thuộc Chính phủ và có đủ quyền hạn để phản biện, đối chiếu, giám sát và đưa ra ý kiến độc lập về chất lượng, sự cần thiết tồn tại hay không cần tồn tại của mỗi quy định, điều kiện kinh doanh cụ thể.

Ông Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh, muốn tăng cường hiệu quả các biện pháp phục vụ doanh nghiệp thì phải bảo đảm thực hiện đầy đủ quy định, nội dung cũng như chỉ đạo của Chính phủ và đúng tiến độ đề ra. Ước tính sơ bộ, có từ 1/3 đến một nửa số điều kiện kinh doanh hiện có có thể xem xét để tiến tới bãi bỏ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, nhìn chung môi trường kinh doanh đã và đang được cải thiện liên tục, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, xác định vai trò là động lực phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Đặc biệt, Chính phủ xác định rõ mục tiêu kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, thật sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với loại hình doanh nghiệp khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực phát triển.

Thực tế cho thấy, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng đánh giá về thuận lợi kinh doanh hoặc các điều tra quốc tế thời gian qua cho thấy sự tiến bộ, cải thiện liên tục từ đó củng cố, gia tăng niềm tin của giới doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng nhất trí quan điểm, cần tăng cường hoạt động đối thoại, phản biện chính sách từ phía doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu độc lập với cơ quan hoạch định chính sách để bảo đảm tính logic và sự cần thiết trước khi ban hành quy định, thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tránh tâm lý né tránh hoặc tùy tiện, chủ quan trong nghiên cứu, ban hành chính sách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục