An Giang đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

18:00' - 11/08/2017
BNEWS Ngày 11/8, UBND tỉnh An Giang gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để nghe những ý kiến, kiến nghị và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Tại hội nghị, bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang cho biết tình trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ; thiếu nhà ở cho người lao động…

Do vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang đề nghị UBND tỉnh An Giang cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn; sớm đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông trong tỉnh một cách đồng bộ. Đồng thời, tăng quỹ đất để tạo điều kiện xây dựng nhà ở cho công nhân lao động; tạo thuận lợi hơn trong cung cấp điện, nước, giao thông… để đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo bà Lý Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Khiêm Thanh, hiện nay, cơ sở hạ tầng tại một vài khu công nghiệp, cụm công nghiệp (nhất là ở các huyện) chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn tỉnh An Giang quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu, có chính sách ưu đãi về thuế, phí... để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh thêm về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động, trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, lĩnh vực đất đai; vấn đề trạm thu phí T2- Quốc lộ 91 chưa hợp lý…

Sau khi nghe các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh An Giang đã ghi nhận và tiếp thu những ý kiến, đề nghị của các doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương có liên quan giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp như: tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối các doanh nghiệp theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh An Giang có 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Ông Vương Bình Thạch đề nghị xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, trốn thuế, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường… để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính, tạo môi trường lành mạnh để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 442 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 38,99% với tổng số vốn đăng ký là 2.554 tỷ đồng, tăng 118,10%. Tỉnh cũng thu hút 53 dự án, bao gồm 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 51 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 5.155 tỷ đồng, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2016./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục