Làm gì để không bỏ phí tiềm năng du lịch mạo hiểm?

05:39' - 13/03/2017
BNEWS Tai nạn xảy ra ở thác Hang Cọp vào cuối tháng 2-2017 là bài học về bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua tiềm năng rất lớn của loại hình du lịch mạo hiểm.

Những năm gần đây, du lịch mạo hiểm ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, đặc biệt là những người ưa khám phá, trở về với tự nhiên.

 Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam có tiềm năng lớn về du lịch mạo hiểm. Nếu như chúng ta nâng cao nhận thức cho du khách, người dân khi tham gia vào hoạt động du lịch mạo hiểm, đồng thời cơ quan quản lý thực hiện quản lý chặt chẽ thì chắc chắn loại hình du lịch mạo hiểm hoàn toàn có thể phát triển.

Du lịch mạo hiểm rất được coi trọng ở nhiều quốc gia

Kenya: Đây là điểm đến đích thực dành cho những ai muốn du lịch mạo hiểm. Từ những khu bảo tồn hoang dã, núi tuyết, thảo nguyên tới biển vàng, tất cả đều có thể tìm thấy ở quốc gia châu Phi này.

Du lịch mạo hiểm là một hình thức du lịch mang nhiều yếu tố khám phá và trải nghiệm những cảm xúc khác lạ từ những chuyến du lịch đến những địa hình hiểm trở, do đó độ nguy hiểm cũng tăng cao.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang rất coi trọng phát triển du lịch mạo hiểm bởi những lợi thế về sinh thái, văn hóa và kinh tế của loại hình du lịch này.

Trong đó, Pháp là nước phát triển du lịch mạo hiểm mạnh nhất thế giới, kể từ năm 1990 trở lại đây, nước này đã đứng ra tổ chức thường niên các chương trình du lịch thể thao mạo hiểm mang tên “Raid Gauloises”, thu hút sự tham gia của rất nhiều khách du lịch ưa khám phá, mạo hiểm từ khắp thế giới vì các chương trình du lịch này tạo điều kiện cho họ được đi tới các vùng đất mới, lạ, có cảnh quan thiên nhiên đẹp và bản sắc văn hoá độc đáo để tìm hiểu, khám phá và học hỏi, làm giàu thêm kho tàng kiến thức của họ….

Các nước New Zealand, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha… sở hữu nhiều phong cảnh tuyệt đẹp và du khách hoàn toàn có thể trải nghiệm những tour du lịch thú vị và mạo hiểm.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về du lịch mạo hiểm

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về du lịch mạo hiểm, với 3/4 địa hình là đồi núi, các hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều hang động đẹp, nhiều khu rừng nguyên sinh nhiệt đới cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia rộng lớn, hơn 3.000km bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm.

- Đua mô tô, xe máy:

Các tuyến đường từ Đà Nẵng lên Kon Tum, từ Đà Lạt về Phan Rang, đèo Prenn; tuyến đường số 4 từ Cao Bằng đến Hà Giang, hai tuyến đường tại Hà Giang (từ thị xã Hà Giang lên Đồng Văn và từ Bắc Quang đến Hoàng Su Phì sang Xín Mần); tuyến đường vòng cung Tây bắc từ Hòa Bình qua Sơn La lên Điện Biên, Lai Châu sang Sa Pa và từ thị xã Lào Cai đến Bắc Hà… rất thích hợp cho việc tổ chức các chương trình DLMH như mô tô, ô tô, xe đạp.

- Du lịch leo núi:

Đỉnh Phan Xi Păng, khu vực đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang), dãy núi Lang Biang, Yên Tử... là những nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch leo núi.

- Vượt thác, lặn biển, lướt ván, dù bay…

Việt Nam có rất nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ để có thể tổ chức loại hình du lịch vượt thác đầy hấp dẫn như thác Đầu Đẳng, thác Dray Sap, Dray Nu, thác Dam Bri ở Tây Nguyên, thác Bản Giốc và nhiều thác nước khác ở vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc.

Với bờ biển dài, hàng trăm bãi biển và nhiều hòn đảo đẹp Cát Bà, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo, các đảo trong vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, có thể tổ chức nhiều loại hình DLMH như: lặn biển, đua thuyền kayak, đua thuyền buồm, lướt ván, dù bay trên biển…

- Du lịch mạo hiểm dưới nước

Các hồ như hồ Ba Bể, hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà, hồ Núi Cốc và các con sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lô, sông Hương, sông Cửu Long đều là những địa chỉ thích hợp cho việc tổ chức các tour DLMH dưới nước.

 Du lịch mạo hiểm là loại hình chuyên biệt

Đỉnh Phan Xi Păng, khu vực đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang), dãy núi Lang Biang, Yên Tử... là những nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch leo núi. Ảnh: dulichsapa.org.vn

Loại hình du lịch mạo hiểm ở các nước phát triển là loại hình chuyên biệt, an toàn gần như tuyệt đối, huấn luyện viên và hướng dẫn viên đều có chứng chỉ hành nghề. Du khách khi tham gia phải kiểm tra sức khỏe, được huấn luyện và thực hành trước.

Từ việc đóng bảo hiểm, trực cứu hộ cho đến trang thiết bị phải đảm bảo. Nhưng tại Việt Nam, nhiều công ty du lịch không chuyên bỏ qua để tiết kiệm chi phí dẫn tới việc mang lại rủi ro cho chính sự an toàn của du khách.

Ông Đặng Xuân Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Footprint cho biết: "Nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn đang cho rằng du lịch mạo hiểm là một loại tour thông thường và không có sự quan tâm, phân tích sản phẩm, địa điểm, thời tiết, các yếu tố văn hoá để tạo nên một sản phẩm và trang thiết bị nên rất chủ quan".

Để triển khai một tour du lịch mạo hiểm cần có sự tham gia của công ty lữ hành chuyên nghiệp. "Nhưng thực tế hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với doanh nghiệp tham gia loại hình này. Điều này dẫn đến việc quản lý các loại hình doanh nghiệp này đang còn nhiều lỗ hổng.

Những công ty tự phát, không chuyên về du lịch mạo hiểm thường giảm chi phí đầu tư trang thiết bị bảo hộ nhằm giảm giá thành tour. Khi giá rẻ sẽ đồng nghĩa với việc rủi ro cao.

Do đó, phải xác định du lịch mạo hiểm là kinh doanh có điều kiện và cần có tiêu chuẩn cụ thể. Bên cạnh đó, phải kiểm tra định kỳ với các doanh nghiệp để đánh giá các thiết bị đó có thật sự an toàn”, ông Đặng Xuân Sơn cho biết.

Còn Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng Cục du lịch) cho biết: "Hiện chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn đối với loại hình du lịch mạo hiểm. Do đó, tại một số địa phương mỗi nơi quy định một kiểu, thậm chí buông lỏng trong việc quản lý các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạo hiểm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tại nạn rất cao”.

Sẽ có Thông tư quản lý du lịch mạo hiểm

Sau tai nạn xảy ra ở thác Hang Cọp vào cuối tháng 2-2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan rút kinh nghiệm, coi đây là bài học sâu sắc trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng có cuộc họp khẩn với gần 40 đơn vị lữ hành trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết thực hiện đúng các quy định pháp luật về kinh doanh lữ hành và các quy định liên quan.

Song có lẽ chỉ cam kết của các doanh nghiệp thôi chưa đủ. Quan trọng hơn, còn cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các cơ quan chức năng địa phương, trong đó, hết sức coi trọng vai trò của công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên và có chế tài xử lý thật mạnh với những trường hợp vi phạm.

Về phía Trung ương, Tổng cục Du lịch đã soạn thảo Thông tư quản lý du lịch mạo hiểm trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành, dự kiến trong quý II/2017.

Về phía du khách cũng cần được tuyên truyền đầy đủ về các điều kiện, thủ tục khi mua tour du lịch mạo hiểm, như: lựa chọn đơn vị tổ chức có đủ thẩm quyền, kinh nghiệm; lựa chọn tour phù hợp khả năng, sức khỏe; tuân thủ tuyệt đối các quy định khi tham gia và chỉ dẫn của hướng dẫn viên…/.

 Những quốc gia 'thăng hoa' du lịch nhờ phim Hollywood

Những quốc gia 'thăng hoa' du lịch nhờ phim Hollywood

Sẽ mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị trong năm 2017
Sẽ mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị trong năm 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục