BNEWS
Trước vụ scandal "treo lụa ta bán lụa Tàu" của thương hiệu Khaisilk những ngày qua, nhiều người băn khoăn không biết phải phân biệt lụa tơ tằm thật và giả thế nào cho đúng.
Theo những người trong nghề, lụa tơ tằm truyền thống 100% của Việt Nam mang lại cho người mua cảm giác mát nhưng không lạnh khi chạm tay vào. Lụa tơ tằm thật rất nhẹ mỏng, mềm. Sợi tơ cũng rất bóng và bắt sáng và không bị dính vào da kể cả khi trời lạnh.
Cách phân biệt lụa thật 100% sợi tơ tằm và lụa giả, lụa pha cơ bản nhất được ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Làng lụa Hội An cho biết, chính là lấy mảnh nhỏ hay một vài sợi vải của sản phẩm đốt lên.
Nếu đúng là lụa tơ tằm thật sẽ có mùi hơi khét, cháy thành muội than, khi dùng tay xoa thì tan ra không vón cục.
Còn nếu sợi vải cháy khét đặc trưng nylon, khói đen, vón cục dễ gây bỏng thì đó ắt hẳn là hàng pha nylon (polyeste).
Còn nếu lụa tơ tằm pha với cotton thì sản phẩm cháy khét đặc trưng giống mùi giấy cháy, không tạo muội than.
Bên cạnh đó, do được dệt thủ công nên đôi khi những sản phẩm lụa truyền thống thường có một vài đường lỗi nhỏ, màu lụa trắng ngà chứ ít khi có màu trắng tinh, hoa văn đơn giản như: tùng, cúc, mai, rồng, phượng, các hoa văn tròn, vuông... hoặc trơn một màu.
Khổ vải lụa cũng theo khổ của khung dệt truyền thống, hầu hết các làng nghề thường có 2 loại khung với 2 kích cỡ 0,9m và 1,15m
Trong khi đó, lụa Trung Quốc thường trơn, bóng, mịn, có nhiều họa tiết hoa văn trẻ trung, phức tạp, kiểu dáng sản phẩm hiện đại và nhiều khổ vải khác nhau.
Các sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống cũng có giá thành cao hơn các mặt hàng tương tự có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn duy trì được một số làng lụa truyền thống lâu đời như: làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng lụa Nha Xá (Hà Nam), làng nghề dệt đũi ở Nam Cao (Thái Bình), làng lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), làng lụa Mỹ Á (An Giang)...
>>> Lùm xùm khăn lụa "made in China" của Khaisilk tưởng nhỏ mà không nhỏ