Làm sao để phòng tránh tai nạn đường sắt?

09:31' - 13/11/2016
BNEWS Phần lớn các tuyến đường sắt của Việt Nam hiện chạy song song với đường bộ và đi qua các khu đô thị đông dân cư, kéo theo hình thành nhiều điểm giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ.
Một điểm đường ngang có gác chắn của đường sắt Thống Nhất đi qua tỉnh Nam Định. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Đây được xem là nguyên nhân cơ bản bên cạnh ý thức chưa cao của người dân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt còn thường xuyên xảy ra trong thời gian qua.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ngành đường sắt hiện quản lý, bảo trì, điều hành và khai thác mạng lưới đường sắt quốc gia với chiều dài 3.143 km; trong đó có 2.632 km đường chính, 403 km đường ga và 108 km đường nhánh. Đặc biệt, hệ thống đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố, 147 quận, huyện và 654 phường xã.

Tính toán cho thấy bình quân 1km đường sắt hiện có tới 1,85 lối giao cắt. Theo các chuyên gia giao thông đây là tỷ lệ rất cao gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt. Điều này được chứng minh khi thống kê thời gian qua cho thấy tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức chiếm khoảng 85% trong tổng số các vụ tai nạn đường sắt.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, toàn hệ thống đường sắt quốc gia có 1.514 đường ngang hợp pháp. Trong đó, có 641 đường ngang có người gác, 366 đường ngang có cảnh báo tự động (bằng chuông, đèn trước khi tàu đi qua), 507 đường ngang có biển báo.

Tuy nhiên, cả nước hiện còn tới 4.302 lối đi dân sinh, đường ngang tự phát do dân mở để đi qua đường sắt. Cộng với số đường ngang cảnh báo bằng đèn, còi tín hiệu, biển báo nêu trên, số điểm giao cắt với đường sắt không có người gác lên đến 5.165 điểm.

Theo báo cáo đánh giá của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn được xác định là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao.

Đồng thuận ý kiến đánh giá của VNR, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng nhận định, trong nhiều vụ tai nạn đường sắt vừa qua, nguyên nhân chủ yếu đến từ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và người dân cố tình vượt qua đường sắt không chú ý quan sát hoặc cố tình phóng nhanh vượt ẩu qua đường sắt; trong đó chủ yếu là do người đi bộ, xe máy và ô tô gây ra… 

Một đường ngang có gác chắn đi qua nội đô Tp. Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh (có trụ sở tại Nam Định, đơn vị hiện đang quản lý hơn 125 km đường sắt Thống Nhất) chia sẻ, do người dân có tâm lý bám mặt đường để kinh doanh sinh sống, nên phát sinh nhiều vi phạm như mở đường dân sinh trái phép qua đường sắt, dựng biển quảng cáo, trồng cây, cơi nới mái che, mái vảy vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và làm che khuất tầm nhìn.

Công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo đánh giá cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, ông Đoàn Ngọc Cường, Phó Phòng kỹ thuật an toàn - Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, nhận xét: “Tuy đã có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý đường sắt với các lực lượng ban ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, nhưng sự phối hợp chưa thường xuyên, do đó kết quả thực hiện chưa cao.

Bác Bùi Trọng Súy, người dân sống tại gần nút giao đường sắt trên địa bàn xã Tân Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định cho biết, “nút giao cắt đường sắt gần nhà tôi là đường trục chính của hai xã nên hàng ngày lưu lượng đi qua rất đông. Bản thân tôi thường xuyên phải đi qua địa điểm này thấy rất nguy hiểm vì không có gác chắn.

Tôi đã chứng kiến nhiều vụ xảy ra va chạm giữa người tham gia giao thông và tàu hỏa; trong đó có nhiều nguyên nhân do người tham gia giao thông không chịu quan sát khi đi qua đường sắt. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị ngành đường sắt lập gác chắn mà vẫn chưa được giải quyết”.

Lý giải điều này, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho hay: Để duy trì một đường ngang cần có 3 - 5 công nhân thay ca nhau 24/24h. Tiền lương, chi phí điện, nước... cho trạm gác chắn trung bình 600 triệu đồng/năm/trạm. Chính vì chi phí cao nên không thể đường ngang nào cũng có gác chắn. 

Một đường ngang đường sắt không có gác chắn đi qua nội đô Tp. Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa, Tp. Nam Định, Hoàng Ngọc Nghi, cho biết, mặc dù đường sắt chạy qua địa phương khoảng hơn 1 km, tuy nhiên do dân cư sinh sống hai bên đường sắt nhiều nên an toàn trật tự giao thông rất phức tạp.

Hiện đường rào, đường gom chạy dọc theo đường sắt qua địa phương chỉ xây dựng được một số đoạn, còn lại mới dừng ở việc khảo sát, chờ vốn. Địa phương đã có nhiều kiến nghị với ngành đường sắt nhưng vẫn chưa được giải quyết.

“Vấn đề bảo đảm an toàn giao thông đường sắt về phía chính quyền luôn phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết các vấn đề lấn chiếm hành lang an toàn chạy tàu. Địa phương cũng đã đến từng hộ dân sống gần khu vực đường sắt đi qua vận động, tuyên truyền chấp hành nghiêm túc các quy định bảo đảm an toàn giao thông.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều hộ chưa chấp hành nghiêm túc vấn đề này, mặc dù đã được tuyên truyền, thậm chí xử lý hành chính nhiều lần”, ông Hoàng Ngọc Nghi chia sẻ.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, để nâng cao an toàn giao thông tại đường ngang, lối đi dân sinh, VNR đã đề ra các giải pháp. Cụ thể, đối với đường ngang có người gác giao đoạn cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh sẽ lắp đặt tín hiệu ngăn đường trên đường sắt.

Những đường ngang có tầm nhìn hạn chế sẽ lắp đặt thêm thiết bị báo tàu gần đến đường ngang. Đồng thời sẽ lắp đặt tín hiệu đường bộ có cần vươn ra giữa làn đường bộ đi vào đường ngang để người tham gia giao thông đường bộ nhìn thấy từ xa.

Bên cạnh đó, VNR sẽ có kế hoạch cho xây gờ giảm tốc bắt buộc trên đường bộ trước khi vào đường ngang để hạn chế tốc độ của phương tiện giao thông đường bộ (ưu tiên các đường ngang giao cắt với quốc lộ, đường tỉnh) có mật độ phương tiện giao thông đường bộ cao....

Đối với các đường ngang nội bộ, đường ngang tự phát (mở trái phép), ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh kiến nghị: Các đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần phối hợp với đơn vị đường sắt sở tại để tổ chức rào chắn hạn chế phương tiện giao thông đường bộ; cảnh giới, chốt gác 24/24h để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo kế hoạch của VNR, đối với đường ngang cảnh báo tự động, trong thời gian tới ngành sẽ khẩn trương triển khai lắp đặt toàn bộ hệ thống cần chắn tự động cho toàn bộ các đường ngang theo lộ trình. Cụ thể, năm 2016 lắp đặt 300 đường ngang, năm 2017 thực hiện các đường ngang còn lại.

Đối với các lối đi dân sinh, VNR sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục cấp vốn để xây dựng hệ thống đường gom để gom toàn bộ lối đi dân sinh đưa về vị trí đường ngang hợp pháp; trong đó ưu tiên thực hiện trước ở nơi tập trung khu dân cư, thành phố đô thị./.

>>> Nam Định: Băng qua đường sắt, lái xe ôm bị tàu hỏa đâm tử vong

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục