Lạm thu trong trường học - “Trên bảo dưới không nghe”

18:11' - 09/12/2017
BNEWS Tại nhiều cơ sở giáo dục ở các địa phương tỉnh Bình Định vẫn còn tình trạng vi phạm, gây bức xúc trong phụ huynh.

Đầu năm học 2017-2018, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm vấn đề lạm thu đầu năm học. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở giáo dục ở các địa phương vẫn còn tình trạng vi phạm, gây bức xúc trong phụ huynh.
* Trăm dâu đổ đầu Ban đại diện cha mẹ học sinh
Phản ánh với phóng viên TTXVN, một số phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) rất bức xúc khi nhà trường thông báo thu nhiều khoản trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể: Quỹ cha mẹ học sinh 70.000 đồng, Quỹ hỗ trợ dọn vệ sinh 90.000 đồng, Quỹ hỗ trợ sửa chữa máy vi tính 50.000 đồng, chi phí mua máy chiếu lớp học 2 triệu/lớp đóng trong 3 năm…

Bà Lê Thị Kim Tuyến - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: Quốc Dũng – TTXVN

Về vấn đề này, bà Lê Thị Kim Tuyến - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho rằng: Các khoản thu trên là do đề xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường chỉ có một tạp vụ nhận lương hợp đồng dọn dẹp vệ sinh nên Ban đại diện cha mẹ học sinh đã đề xuất thu tiền thuê thêm người dọn vệ sinh trường lớp, khu vệ sinh cho các cháu. Với số tiền 90.000 đồng/học sinh/năm học, tức là mỗi tháng chỉ thu 10.000 đồng/cháu, khoản thu này không nhiều.
Tuy nhiên, nếu theo đúng lời bà Tuyến, toàn trường có 1.903 học sinh, mỗi học sinh đóng 10.000 đồng thì mỗi tháng trường này chi 19 triệu đồng để thuê người dọn dẹp vệ sinh.
Về Quỹ hỗ trợ sửa chữa máy vi tính, theo bà Tuyến: Đây là đề xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh khi họp đầu năm, nhà trường đưa vào danh sách để xin ý kiến phụ huynh. Nếu phụ huynh đồng ý, học kỳ II nhà trường sẽ thu khoản tiền trên.
Với đề xuất thu mỗi lớp 2 triệu đồng/năm học, trong vòng 3 năm để lắp máy chiếu, bà Tuyến cho biết đó là sáng kiến của một phụ huynh khá giả, có nhiều đóng góp cho nhà trường nhằm giúp các cháu tiếp cận với công nghệ thông tin. Phụ huynh nào có điều kiện thì tự nguyện đóng góp chứ không chia bình quân đầu người, chỉ cần đủ 2 triệu đồng/năm. Bà Tuyến cho biết, những năm trước nhà trường đều thu chi như vậy nhưng không có phụ huynh kiến nghị.
* Thu trái quy định nhưng vẫn... hợp lý
Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề lạm thu tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quy Nhơn khẳng định: Những khoản thu này là hợp lý.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Theo ông Nguyễn Phương Nam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quy Nhơn, đơn vị vừa thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học ở các trường trên địa bàn, trong đó có trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Ông Nam khẳng định: Sau kiểm tra, đơn vị không phát hiện sai phạm, nhà trường cũng đã báo cáo công khai các khoản thu chi, rất cụ thể và rõ ràng.
Ông Nam giải thích thêm về các khoản thu gây bức xúc trong phụ huynh tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong: Quỹ hỗ trợ dọn vệ sinh là theo yêu cầu của cha mẹ học sinh do các cháu quá nhỏ. Tuy nhiên Phòng cũng yêu cầu phải hạch toán để thu đủ chi chứ không được để thừa. Về việc lắp máy chiếu phục vụ các lớp, từng lớp sẽ vận động nhà hảo tâm đóng góp để mỗi lớp đạt 2 triệu đồng/năm trong vòng 3 năm chứ không phải chia đều trên số học sinh...
Theo ông Nam, những năm gần đây, sau khi có văn bản chỉ đạo của các cấp việc thu khoản đóng góp trong các nhà trường đã giảm nhưng vẫn có thông tin các trường tổ chức thu nhiều là do khi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm không trao đổi hết, gây hiểu nhầm. Sau khi có sự trao đổi giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh thì thấy rằng những khoản thu đó hợp lý. Ông Nam khẳng định: “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy năm nay tình hình vẫn ổn chứ không có gì phức tạp!”.
Cách giải thích trên của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quy Nhơn đã đi ngược so với Công văn số 5031/BGDĐT-KHTC ngày 27/10/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công văn này nêu rõ, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường…
Đầu năm học mới 2017 - 2018, tại một số trường học có tình trạng tổ chức thu nhiều khoản thu không đúng quy định, gây khó khăn cho không ít học sinh, phụ huynh học sinh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các văn bản của Bộ bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật.

Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp; tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm…
Ngày 27/9/2017, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có công văn số 5212/UBND-VX chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, thực hiện nghiêm các khoản thu theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục vi phạm.
Như vậy, đã có chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể từ các cấp Trung ương đến địa phương nhưng tại thành phố Quy Nhơn vẫn để xảy ra việc thu phí bất hợp lý trong trường học. Các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Định cần sớm chấn chỉnh, không để tình trạng “trên bảo dưới không nghe” tiếp tục tái diễn, gây bức xúc trong dư luận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục