Liệu đã quá muộn để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?

11:38' - 15/04/2017
BNEWS Theo Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam "hoàn toàn không muộn nếu chúng ta có những đối sách, có những chính sách kịp thời và ban hành sớm..."
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Theo cam kết hội nhập ASEAN, đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực sẽ giảm về 0%. Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam đang “tất bật” lên kế hoạch nhập khẩu thay vì sản xuất, lắp ráp thì một số doanh nghiệp lại chọn hướng đi khác. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công.

Phóng viên: Hyundai Motor vừa “bắt tay” với Tập đoàn Thành Công trong việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam . Mục tiêu của việc liên doanh này là gì, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Đức: Đúng vậy, trong chuyến thăm từ ngày 28 - 29/3 vừa qua, Phó Chủ tịch của Hyundai đã chính thức công bố về việc thành lập liên doanh giữa Tập đoàn Thành Công và Tập đoàn Hyundai tại Việt Nam.

Mục tiêu của liên doanh là tập trung mở rộng sản xuất, lắp ráp cũng như sản xuất các linh kiện phụ tùng ô tô, không những phục vụ cho thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu ra khu vực ASEAN. Trong thời gian tới, đây sẽ là Trung tâm sản xuất của Hyundai tại ASEAN bao gồm: các linh kiện, phụ tùng nhằm mục tiêu đảm bảo nội địa hóa tối thiểu 40% và hướng tới xuất khẩu trong khu vực.

Phóng viên: Theo cam kết hội nhập của Hiệp định thương mại tự do khối ASEAN, từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0%. Trong khi các liên doanh đang “rục rịch” chuyển từ sản xuất, lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc nhằm hưởng lợi từ Hiệp định thì Hyundai Thành Công lại làm điều ngược lại. Theo ông đây có phải là sự mạo hiểm?

Ông Lê Ngọc Đức: Mỗi công ty đều có những chiến lược phát triển riêng của mình, Hyundai và Hyundai Thành Công cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khi quyết định việc này, chúng tôi đã có quá trình nghiên cứu, phân tích lâu dài và thận trọng. Các nghiên cứu đều dựa trên thực tế tình hình về thị trường, các chính sách vĩ mô của Chính phủ, nhất là những chính sách liên quan đến ngành công nghiệp ô tô.

Vấn đề nữa để chúng tôi quyết định đầu tư là hiện nay trong khu vực ASEAN, Hyundai chưa có Trung tâm sản xuất. Trong bối cảnh rất nhiều Hiệp định thương mại tự do trong khối ASEAN cũng như Việt Nam đã ký kết thì nếu không đầu tư sản xuất ở Việt Nam hoặc ASEAN thì chúng tôi sẽ mất đi những lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Đặc biệt, sự quyết tâm của Chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô thời gian gần đây cũng là động lực để chúng tôi thêm vững tin vào chiến lược của mình.

Tuy nhiên, điều làm chúng tôi băn khoăn hiện nay là mốc thời điểm 1/1/2018 đã rất cận kề nhưng các chính sách liên quan đến ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa được ban hành. Điều này sẽ gây ra không ít khó khăn cho các nhà đầu tư. Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất và quyết định hiện nay nằm ở các chính sách vĩ mô của Chính phủ liên quan đến ngành công nghiệp ô tô. Và khi cởi được nút thắt này thì chúng ta sẽ cởi được các nút thắt còn lại.

Phóng viên: Theo ông, đến thời điểm này nói tới vấn đề phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam liệu đã quá muộn?

Ông Lê Ngọc Đức: Tôi xin được trích dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc với nhà máy chúng tôi ngày 7/4 vừa qua: “Chúng ta có đầy đủ quy mô dân số, kinh tế chúng ta đang phát triển, dung lượng thị trường hiện nay vẫn còn thấp. Chúng ta sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Và nếu chúng ta không có sự trù bị, không duy trì công nghiệp ô tô, phát triển công nghiệp ô tô thì chúng ta sẽ phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài. Chúng ta sẽ mất đi những giá trị cốt lõi là phát triển về công nghiệp cơ khí. Ô tô phát triển thì kéo theo rất nhiều các ngành công nghiệp chế tạo, luyện kim, dịch vụ, tạo ra rất nhiều giá trị. Và có thể nói ô tô có đóng góp rất quan trọng trong các nguồn thu ngân sách quốc gia, đồng thời sẽ kéo theo sự phát triển về hạ tầng giao thông".

Ông Euisun Chung, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor thăm quan dây chuyền lắp ráp tại nhà máy Hyundai Thành Công ở Ninh Bình. Ảnh: HTC

Từ những phân tích trên của Thủ tướng, tôi cho rằng, phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam hoàn toàn không muộn nếu chúng ta có những đối sách, có những chính sách kịp thời và ban hành sớm thì vẫn còn có cơ hội.

Tôi muốn nói thêm rằng, Tập đoàn Hyundai cũng đã cam kết với Chính phủ Việt Nam là sẽ chuyển giao công nghệ để sản xuất lắp ráp xe ô tô ở Việt Nam và thực tế, chúng tôi đã đàm phán được với Tập đoàn Hyundai chuyển giao công nghệ sản xuất dập thân vỏ xe ô tô con tại Việt Nam. Với việc đầu tư đầu tư thân vỏ này thì chúng tôi tự tin là sẽ thực hiện được cam kết với Chính phủ, đảm bảo xe Hyundai sản xuất ở Việt Nam đảm bảo tối thiểu nội địa hóa 40%. Đây là thẻ thông hành cho sản phẩm được xuất khẩu ra ASEAN áp dụng thuế suất 0%.

Phóng viên: Là một trong số ít doanh nghiệp sẽ tiếp tục “gắn bó” với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Ông có kiến nghị với Chính phủ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp?

Ông Lê Ngọc Đức: Như tôi đã chia sẻ, thời điểm hiệp định thương mại tự do ASEAN có hiệu lực toàn phần đã tới rất gần, chỉ còn khoảng 8 tháng nữa. Nếu các chính sách về phát triển ngành công nghiệp ô tô không sớm được ban hành thì sẽ là áp lực đối với các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.

Vì vậy, chúng tôi xin được kiến nghị: Thứ nhất, ở giai đoạn đầu để duy trì sản xuất, lắp ráp trong nước thì không thể một hãng nào có thể sản xuất được 100% linh kiện trong nước được, mà chỉ ở mức từ 12-13%, để tiến đến 40% vẫn phải có những linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài về. Do đó, với những linh kiện, phụ tùng mà trong nước chưa sản xuất được thì đề nghị cho cắt giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0%. Nếu thuế xe nguyên chiếc 0% mà với linh kiện thuế lại cao hơn thì tôi nghĩ không thể duy trì sản xuất được.

Thứ hai, cần đưa ra những chính sách thông qua các hàng rào thuế nội địa đối với những linh kiện phụ tùng mà các nhà sản xuất ô tô trong nước sử dụng từ các nhà cung cấp tại thị trường Việt Nam để giảm bớt nhập khẩu. Khi các nhà sản xuất lắp ráp ô tô sử dụng những linh kiện được cung cấp trong nước họ sẽ được khấu trừ trong phần tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện được điều này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất tập trung phát triển sản xuất linh kiện trong nước.

Thứ ba, trước việc lượng xe ô tô nhập khẩu đang tăng trưởng rất nhanh trong quý I/2017 và chắc chắn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt tới năm 2018, chúng ta cũng cần ban hành các hàng rào thuế quan để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như là minh bạch trong kinh doanh, tránh những gian lận về nguồn gốc xuất xứ, gian lận về thương mại trong kinh doanh để bảo vệ sản xuất ng nước trong giai đoạn đầu.

Và đề nghị cuối cùng đó là Chính phủ tập trung sớm ban hành các điều kiện trong kinh doanh ô tô để tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh cho các nhà sản xuất ô tô trong nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục