Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo cú hích cho phát triển kinh tế đất nước

17:07' - 26/10/2017
BNEWS Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có nội dung mới, lớn, khá phức tạp.
Một góc đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chiều 26/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc trao đổi, cung cấp thêm thông tin về dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình bày tờ trình dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vào ngày 10/11/2017 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi trao đổi thông tin, ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có nội dung mới, lớn, khá phức tạp. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra hiện nay là thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của 3 khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong hiện nay ra sao?

Theo ông Phúc, liệu khi chúng ta có Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có tạo ra hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo bệ phóng cho 3 đặc khu kinh tế phát triển mạnh mẽ, mang tính “đột phá” như kỳ vọng? Và hơn nữa có cần cơ chế đặc biệt nào cho đặc khu nào, cơ chế giám sát ra sao cũng như những khó khăn, vướng mắc đặt ra khi triển khai mô hình đặc khu kinh tế…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị có kết luận tại Thông báo số 21-TB/TW về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và đồng ý chủ trương xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Hiện nay, Chính phủ đã chọn 3 khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là những khu kinh tế đặc biệt với những chính sách và cơ chế đặc biệt để phát triển. Theo phân tích, 3 đặc khu kinh tế có thể đạt mức thu nhập lên đến 12.000 - 13.000 USD/năm, tương đương từ 23 - 25 triệu đồng/tháng.

Tại Vân Đồn, ước tính Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Đặc khu Bắc Vân Phong cũng dự kiến sẽ đem lại khoảng 1,2 tỷ USD thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Cũng theo tính toán, tại Phú Quốc, Nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất.

Nhìn nhận lại những kết quả của việc hình thành và phát triển của các khu kinh tế, hiện nay, Việt Nam có 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, cả nước có 328 khu công nghiệp được thành lập…

Về thu hút đầu tư, các khu kinh tế đã thu hút được 153 tỷ USD, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động; đồng thời, khi triển khai các dự án trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cũng tạo điều kiện để quản lý tốt hơn về môi trường và công nghệ.

Tuy nhiên, việc phát triển các khu kinh tế vẫn còn một số hạn chế như: ít có sự khác nhau giữa mục tiêu và hướng phát triển ngành, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng thể chế đặt ra cho các khu khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhiều vượt trội, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, nhiều đầu mối.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, làn sóng mở cửa khu kinh tế đã phát triển tại nhiều quốc gia vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia. Hầu hết các quốc gia đều có luật điều chỉnh riêng cho thể chế kinh tế đặc biệt này.

Hiện, Việt Nam đã có nhiều khu kinh tế nhưng các đặc khu kinh tế chưa đúng nghĩa, nơi mà các thể chế được mở rộng, thông thoáng, nâng cấp cao hơn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tối ưu nhất cho đầu tư. Để các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trở thành các vùng động lực tăng trưởng cho đất nước, điều tiên quyết là phải có mô hình và cơ chế đột phá.

Để làm được điều đó, chúng ta phải tìm mô hình phù hợp với Việt Nam, rút ra các bài học thành công và thất bại của các nước trên thế giới và quan trọng nhất là công cuộc thể chế hóa bộ máy quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, kiểm toán được lợi ích của các nhà đầu tư và tạo sự lan tỏa cho cả nền kinh tế.

Hy vọng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV những vấn đề liên quan đến dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến chi tiết vào những vấn đề đang được đặt ra, tạo hướng mở nhưng chặt chẽ, thực sự tạo cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục