Lực đẩy giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường

19:28' - 26/05/2018
BNEWS Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tỷ trọng bán hàng qua kênh hiện đại mới chỉ dừng lại ở con số 20-25% trong tổng lượng hàng hóa thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Sắp diễn ra nhiều đợt giới thiệu, quảng bá sản phẩm thực phẩm đặc sản vùng, miền, địa phương. Ảnh minh họa: Thanh Tùng-TTXVN
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường nhất là với lĩnh vực thực phẩm, tới đây Vụ này sẽ phối hợp với hệ thống siêu thị Big C triển khai các đợt giới thiệu, quảng bá sản phẩm thực phẩm đặc sản vùng, miền, địa phương như: Tuần hàng giới thiệu các sản phẩm cá Sông Đà; tuần hàng đặc sản của Sơn La…
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tỷ trọng bán hàng qua kênh hiện đại mới chỉ dừng lại ở con số 20-25% trong tổng lượng hàng hóa thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như phối hợp với xúc tiến thương mại đưa hàng Việt ra nước ngoài.
Mặt khác, Bộ cũng đã tư vấn, hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp xây dựng thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm.
Mục tiêu của hoạt động nhằm khuyến khích, hướng dẫn các chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh như: HACCP, ISO, tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm.
Không dừng lại ở đó, Bộ Công Thương còn tổ chức nhiều chương trình kết nối tiêu thụ tại các địa phương với đa dạng các ngành hàng như: Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa cơ sở tiểu thủ công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Bắc, Trung và Nam.
Thông qua chương trình này đã có khoảng 90 biên bản ghi nhớ giữa các nhà sản xuất với các nhà phân phối. Ngoài ra, Bộ đã phối hợp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức thường niên hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố. Vì vậy, sau 5 năm triển khai đã có 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong lĩnh vực thực phẩm.
Đặc biệt, nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại các địa phương cũng như hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng, bảo đảm an toàn của các vùng miền, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng, miền thông qua hệ thống chợ (PMAX 2018) tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Theo Vụ Thị trường trong nước, để hoàn thành nhiệm vụ năm 2018 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp phân phối lớn tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và đưa sản phẩm vùng miền của Việt Nam vươn xa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục