Măng tây - cây làm giàu mới của nông dân Hải Dương

19:59' - 08/12/2016
BNEWS Măng tây thực sự là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Không những thu hoạch được quanh năm. mà còn cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng cà rốt.
Vườn măng tây của hộ gia đình bà Hồ Thị Ngát, thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Tại các xã như Đức Chính (huyện Cẩm Giàng), Nhân Huệ (thị xã Chí Linh) và rải rác một vài nơi khác thuộc tỉnh Hải Dương, trong mấy năm gần đây, một số nông dân đã mạnh dạn chuyển hướng trồng cây rau màu truyền thống sang trồng măng tây. Tuy mới cho thu hoạch, nhưng bước đầu đã thu lại hiệu quả khả quan, hứa hẹn đây sẽ là một cây làm giàu cho nông dân địa phương.

Vườn măng tây rộng trên 2 mẫu của gia đình ông Trần Mạnh Chử, thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng đã bước sang năm thứ hai cho thu hoạch.

Nếu như năm ngoái, năng suất chỉ từ 0,5kg đến 1kg măng/sào, thì năm nay, năng suất đã tăng gấp đôi, trung bình cho 2kg măng/sào trở lên. Ông Chử cho biết: “Sau khi trồng, phải chờ từ 7 tháng đến 8 tháng mới thu hoạch. Nhưng khi đã cho thu hoạch, thì sẽ ngày nào cũng có măng bán, bán đến đâu thu tiền đến đấy. So với các loại cây màu khác, lợi nhuận từ cây măng tây cao gấp đôi, gấp ba lần”.

Theo ông Chử, vào những tháng mùa lạnh, măng phát triển chậm, vẫn cho thu hoạch nhưng không nhiều. Khoảng 8 tháng còn lại trong năm, tiết trời ấm, măng cho năng suất cao hơn. Thậm chí, có thời điểm, gia đình ông thu được 40kg măng/ngày. Với giá bán buôn tại vườn bình quân khoảng 70.000 đồng/kg, vườn măng tây đã cho mang lại doanh thu tiền triệu mỗi ngày cho gia đình ông.

Ông Chử nhớ lại, cách đây hai năm, qua tìm hiểu thấy cây măng tây cho hiệu quả kinh tế cao nên đã quyết tâm chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cà rốt sang trồng măng tây. Ông mày mò lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) tìm mua cây giống, học hỏi kinh nghiệm từ đài, báo và tìm đến công ty chuyên về măng tây để được chuyển giao kỹ thuật. Chi phí ban đầu ước tính đầu tư khoảng 400 triệu đồng để cải tạo vườn, mua cây giống, thiết kế hệ thống giàn tưới tự động.

Nói về đặc tính cây măng tây, ông Chử cho biết, loại cây này khá khó tính, đòi hỏi công chăm sóc rất công phu. Thường xuyên phải cắt tỉa những cành lá già, dọn cỏ, hạn chế dùng phân vô cơ, chủ yếu dùng phân hữu cơ và tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Những cây nào bệnh thì cắt bỏ chứ không phun thuốc trừ sâu.

Măng tây - cây làm giàu mới của nông dân Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Nhiều năm nay, cây rau màu truyền thống ở xã Đức Chính chủ yếu vẫn là cây cà rốt vụ đông và các loại rau dưa vụ xuân hè. Cây măng tây chỉ mới được trồng trên đất Đức Chính trong vòng hai năm, nhưng qua thực tế từ mô hình trồng măng tây của gia đình ông Chử, ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Hội nông dân xã Đức Chính cho rằng, đây thực sự là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Không những thu hoạch được quanh năm. mà còn cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng cà rốt.

Tương tự, anh Phan Duy Thanh (thôn Chí Linh 2, xã Nhân Huệ, thị xã Chí Linh) cũng là người đầu tiên ở xã mạnh dạn trồng măng tây. Bước đầu, vườn măng tây đã đem lại nguồn lợi đáng kể cho gia đình anh.

Năm 2014, anh Thanh dành 1 ha trồng cây măng tây. Với giá bán hiện tại từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, mỗi ngày anh thu khoảng 1 triệu đồng từ vườn măng. "Đầu tư ban đầu cho 1 ha này mất khoảng 300 triệu đồng. Đến khi cây cho thu hoạch, có doanh nghiệp về thu mua tận vườn với giá cam kết. Chúng tôi không phải lo đầu ra. Lợi nhuận thì cao gấp đôi, gấp ba lần các loại cây màu khác", anh Thanh cho biết.

Xã Nhân Huệ có 550 ha đất tự nhiên; trong đó, 230 ha đất nông nghiệp. Từ bao năm nay, thu nhập chính của người dân vẫn từ trồng lúa và các cây rau màu truyền thống như cà chua, bắp cải, cà rốt, đậu tương. Mới đây, thấy mô hình măng tây của gia đình anh Thanh đem lại hiệu quả, nên nhiều doanh nghiệp đã ngỏ ý hỗ trợ đầu tư, cam kết thu mua sản phẩm và xã rất muốn nhân rộng, Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, rất khó mở rộng mô hình bởi phía công ty bao tiêu sản phẩm yêu cầu phải đảm bảo diện tích trên 1 ha mới lựa chọn đầu tư.

Mong muốn mở rộng diện tích măng tây cũng là nguyện vọng của cán bộ Hội nông dân Đức Chính và hội viên. Theo ông Trần Văn Hiếu, xã đang có dự định vận động nông dân chuyển một phần diện tích sang cây trồng này. Tuy nhiên, địa phương còn nhiều trăn trở về vấn đề thị trường; về vốn vay cho nông dân.

Chi phí ban đầu cho việc trồng cây măng tây rất lớn, không như cây rau màu khác, nên không phải ai cũng có điều kiện đầu tư. Thực tế cho thấy, trồng măng tây không cho thu hoạch ngay được mà phải mất gần 1 năm chăm sóc mới được thu hoạch, năm đầu thu cũng chưa đáng kể.

Ông Trần Văn Hiếu bày tỏ băn khoăn: “Muốn mở rộng mô hình nhưng khó nhất vẫn là vốn. Mặc dù hiện nay chúng tôi có hai nguồn để vay là Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng điều kiện vay rất ngặt nghèo. Trong lúc muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rất mong các cấp, các ngành, nhà nước giúp cho những hộ nông dân có nhu cầu chuyển đổi có thể vay vốn thuận lợi”.

Măng tây là một loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao. Vì quy trình chăm bón không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm này ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tìm mua. Tuy nhiên, hiện loại cây này vẫn chưa phổ biến, đa phần người dân đang trồng một cách tự phát.

Mong rằng ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương sẽ dành sự quan tâm tương xứng, cũng như tạo điều kiện giúp nông dân nhiều vùng biết đến cây trồng mới này, từ đó, mở rộng thêm diện tích trồng măng tây, có kênh phân phối ổn định, để cây măng tây thực sự trở thành cây làm giàu cho người dân ở nông thôn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục