Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp

09:35' - 21/06/2018
BNEWS Tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu nâng cao số lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thông qua hình thức đặt hàng, nhưng đến nay mới có 4 đơn vị đăng ký.
Nghệ An nâng cao số lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngay từ đầu năm 2018, tỉnh Nghệ An đã đặt mục tiêu nâng cao số lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thông qua hình thức đặt hàng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã đến giữa tháng 6/2018, việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn và mới có 4 đơn vị đăng ký.
Ông Trần Đức Đạt, Trưởng Phòng Phát triển nông thôn, cơ điện và phát triển dân cư, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: Đơn vị đã gửi văn bản tới nhiều công ty như: Công ty Cổ phần sữa TH, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Khoa học Vĩnh Hòa, Công ty Cổ phần chanh leo Nafoods... nhưng đều không nhận được kết quả.

Nguyên nhân là do trong quá trình triển khai, các công ty này sẽ đảm nhận đào tạo phần thực hành.

Tuy nhiên, theo quy định về đào tạo nghề, doanh nghiệp muốn trực tiếp đào tạo nghề cần phải có đầy đủ điều kiện về giáo trình, giáo viên, được cấp phép đào tạo nghề theo Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên sau đó các công ty này đều không mặn mà.
Ở lĩnh vực phi nông nghiệp, việc đào tạo nghề ngắn hạn cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Ngô Xuân Vinh, Trưởng Phòng Khuyến công – Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An thừa nhận: Hiện tại, đơn vị đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, song số lượng chỉ khoảng 30 người/lớp.

Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, người lao động phải nghỉ việc ở công ty, học tập trung ở các trung tâm dạy nghề nên thu nhập bị giảm sút. Do đó, nếu không được công ty khuyến khích và tạo điều kiện, người lao động sẽ không tham gia nhiều.
Thực tế cho thấy, các ngành nghề đào tạo hiện nay ở Nghệ An chủ yếu đang tập trung vào các ngành như chăn nuôi gia súc, trồng chè, thú y, trồng rau, chăn nuôi gia cầm.

Để hạn chế lãng phí trong đào tạo, mục tiêu mà tỉnh Nghệ An đang hướng tới là tập trung đào tạo cho lao động trong các doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thành viên hợp tác xã, trang trại tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng… theo hình thức “bắt tay chỉ việc”, đào tạo tại cơ sở sản xuất, tại các thôn, bản, xã, trên cơ sở "thực hành là chính".
Ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An khẳng định: Đào tạo nghề nông nghiệp cần gắn với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết, doanh nghiệp phải có chiến lược, kế hoạch phát triển nhân lực phù hợp với chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp không có đơn vị đào tạo thì lựa chọn các cơ sở đào tạo như các trường nghề thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh.

Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ sở dạy nghề về nhu cầu lao động (quy mô, cơ cấu ngành, trình độ đào tạo, kỹ năng nghề…).

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đủ điều kiện cần tổ chức đào tạo nghề tại chỗ bằng nhiều hình thức khác nhau cho lao động tuyển mới và nâng cao kỹ năng nghề, cấp chứng chỉ nghề cho người lao động.
Các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội cần thường xuyên phối hợp, tổ chức rà soát, biên tập lại 50 chương trình, giáo trình khung theo hướng giảm nội dung lý thuyết trên lớp học, tăng cường đào tạo thực hành tại các mô hình sản xuất.

Các đơn vị chức năng xây dựng hai chương trình, giáo trình nghề nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu việc làm theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; lựa chọn, đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề có đủ điều kiện, năng lực để tổ chức thực hiện, xây dựng một số mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân rộng./.
Xem thêm:

>>Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 2018 là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp

>>“Trường” đào tạo nghề giữa trùng khơi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục