Ninh Bình quyết liệt triển khai giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2025

10:22' - 08/07/2025
BNEWS Ninh Bình vừa ban hành Công văn số 100/UBND-VP2 yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để giữ vững đà tăng hạng PCI, UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Công văn số 100/UBND-VP2 yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp trọng tâm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.    

Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu. Các cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc rà soát, phân công rõ trách nhiệm, thời gian, sản phẩm công việc theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả”.

Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người dân. Việc vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải được xử lý kịp thời, minh bạch.

Song song với đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Hoạt động của Bộ phận Một cửa, Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp được củng cố, hiện đại hóa theo hướng công khai, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo chất lượng phục vụ.

Chuyển đổi số được coi là công cụ quan trọng hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý. UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo kết nối thông suốt, phục vụ tra cứu, quản lý, cung cấp dịch vụ công hiệu quả, thuận tiện.

Cùng với công tác cải cách, UBND tỉnh nhấn mạnh nhiệm vụ duy trì hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho phù hợp thực tiễn, đặc biệt là các chương trình xúc tiến thương mại, tư vấn thị trường, tiếp cận vốn, đất đai, lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chất lượng đào tạo và cung ứng lao động tiếp tục được quan tâm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đào tạo được khuyến khích phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, gắn với thị trường lao động, ưu tiên phát triển kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, đổi mới sáng tạo cho người lao động.

Để triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp đã đề ra, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, kịp thời tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Ninh Bình phấn đấu giữ vững đà tăng điểm, tăng thứ hạng PCI, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2024, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Bình đạt 69 điểm, tăng 1,17 điểm so với năm 2023. Với kết quả này, Ninh Bình xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, tăng 2 bậc so với năm trước.

Trong 10 chỉ số thành phần, có 4 chỉ số tăng cả điểm số và thứ bậc gồm: Cạnh tranh bình đẳng, Chi phí không chính thức, Tính minh bạch, Gia nhập thị trường. Kết quả này cho thấy nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, một số chỉ số như Tính năng động của chính quyền, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự vẫn giảm điểm, phản ánh những tồn tại cần được kịp thời khắc phục để tránh ảnh hưởng tới kết quả PCI những năm tiếp theo.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục