Nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế Hong Kong-ASEAN

05:30' - 23/11/2017
BNEWS Với việc ký hiệp định thương mại tự do với ASEAN, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á.
Ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Đầu tư song phương tại Manila ngày 12/11. Ảnh: THX/ TTXVN

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 12/11 đã ký hiệp định thương mại tự do và các hiệp định đầu tư liên quan.

Tiếp đến, ngày 14/11, tại Manila (Philippines), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và Trung-Nhật-Hàn (10+3) lần thứ 20, qua đó phát đi tín hiệu tích cực về việc Trung Quốc kiên trì ủng hộ hội nhập khu vực và thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á, đồng thời đưa ra 6 kiến nghị lớn, từng bước mở rộng lĩnh vực hợp tác, nâng cao mức độ hợp tác, đem lại lợi ích cho các nước liên quan.

Tờ Thương báo (Hong Kong) nhận định trọng tâm kinh tế toàn cầu từ Tây dịch chuyển sang Đông vẫn là một xu thế phát triển tất yếu.

Hiện nay, ASEAN đã là nền kinh tế lớn thứ 5 và là thị trường tiêu dùng lớn thứ 3 trên toàn cầu, dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này trong năm 2018 sẽ là 5,2%, cao hơn so với tỷ lệ bình quân toàn cầu là 3,6%; trong một năm qua, mức đóng góp của khu vực Đông Á đối với tăng trưởng GDP thế giới lên đến 44%.

Những con số trên đủ để chứng minh rằng Đông Á đã trở thành một trong những khu vực phát triển năng động và tiềm năng nhất trên thế giới. Việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á được kỳ vọng sẽ tiếp tục hình thành hiệu ứng hiệp lực trong khu vực, cùng với ý tưởng chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI), sẽ xâu chuỗi các nền kinh tế dọc theo tuyến đường, chắc chắn đem đến cơ hội phát triển, cơ hội hợp tác và không gian tăng trưởng to lớn.

Là trung tâm tài chính và thương mại quốc tế số 1 trong khu vực, theo cơ chế “một nước, hai chế độ” và lại là “người liên lạc siêu cấp” giữa các nước và quốc tế, Hong Kong chắc chắn sẽ đóng một vai trò tích cực quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng và phát triển Cộng đồng Kinh tế Đông Á.

Trên thực tế, lợi ích từ BRI không ngừng tăng lên, trao đổi kinh tế, thương mại giữa Hong Kong và Đông Nam Á ngày càng thường xuyên; tổng giá trị nhập khẩu của Hong Kong từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines sẽ tăng vọt từ 8-30%, xuất khẩu sang khu vực Đông Á cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể.

Trên cơ sở này, Hong Kong và ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do và các thỏa thuận đầu tư, trong đó hàng hóa xuất cảng sang ASEAN hàng năm có thuế quan phải nộp hiện nay là 570 triệu HKD sẽ dần dần giảm xuống bằng 0, cùng với Hiệp định Thương mại và Dịch vụ CEPA được ký giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục, Hong Kong sẽ có “hai thẻ bài” trong tay, chức năng cầu nối có thể phát huy sẽ càng lớn hơn.

Có thể kỳ vọng rằng cùng với việc thúc đẩy thực hiện Cộng đồng Kinh tế Đông Á và BRI, hợp tác kinh tế Hong Kong-ASEAN đương nhiên sẽ bước lên tầm cao mới, tốc độ phát triển sẽ nhanh hơn so với hiện nay.

Báo cáo chính trị Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra rằng nhân dân các nước nên hợp tác với nhau để xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh, trong đó cần thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư thuận lợi hơn, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế phát triển theo hướng cởi mở hơn, toàn diện, cân bằng và cùng thắng.

Xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á có thể nói là gắn với tinh thần nêu trên của Đại hội 19. Trong thời điểm vẫn còn những tiếng nói chống toàn cầu hóa và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc đã phát huy vai trò của một nước lớn có trách nhiệm, đề cao quan điểm quản trị toàn cầu “cùng kinh doanh, cùng xây dựng, cùng hưởng”, coi việc đem lại lợi ích cho nhân dân các nước trong khu vực là trách nhiệm của mình.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng cánh cửa lớn rộng mở sẽ không khép lại mà sẽ ngày càng mở rộng, đồng thời tiết lộ Trung Quốc trong 15 năm tới sẽ nhập khẩu số lượng hàng hóa lên đến 2.400 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (ODI) và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) cũng sẽ đạt 2.000 tỷ USD, điều này  hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và toàn cầu hóa, chắc chắn sẽ phát đi một tiếng nói mạnh mẽ.

Việc tham gia xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á và BRI không chỉ có lợi cho việc mở rộng phát triển kinh tế của chính Hong Kong, mà còn là con đường duy nhất để gánh vác trách nhiệm lịch sử phục hưng dân tộc Trung Hoa và chia sẻ vinh quang, thịnh vượng của đất nước.

Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga  khẳng định thời gian tới Hong Kong sẽ tăng cường quan hệ với 10 nước ASEAN, đối thoại nhiều hơn với các chính phủ và đẩy mạnh các công tác thực tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục