Nâng cao vị thế từ hạ tầng giao thông (Bài 1)

12:00' - 14/09/2015
BNEWS Hệ thống giao thông đang được xây dựng ngày càng đồng bộ thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trên khắp dải đất hình chữ S, nhiều công trình hiện đại như nhà ga, bến cảng, cầu đường đang được xây dựng, mở rộng đang làm thay đổi diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Bài 1: Những cung đường đất nước

Theo ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), hiện mạng lưới đường bộ của Việt Nam có khoảng 295.000 km.

Bên cạnh đó là hệ thống đường sắt dài 2.600 km, đường thủy nội địa khoảng 19.000 km và 31 cảng biển với năng lực khai thác khoảng 400 triệu tấn hàng/năm.

Ngoài ra, phải kể đến sự phát triển của ngành hàng không với tăng trưởng trên hai con số hàng năm, gồm  21 cảng dân dụng, năng lực khai thác khoảng 71 triệu hành khách/năm.

Thông tuyến đường sát Yên Viên - Lào Cai. Ảnh: Quang Toàn/BNews

Những công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.

Nhiều công trình hạ tầng giao thông đô thị cũng từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, đặc biệt tại các đô thị lớn; trong đó có một số dự án trọng điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Một dấu ấn mà ngành giao thông vận tải đã đạt được trong thời gian qua phải kể đến là hoàn thành trước thời hạn nhiều dự án đã rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian giữa các vùng miền trong cả nước và quốc tế.

Gần đây nhất, cuối tháng 7 vừa qua, trên 500 km dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được hoàn thành.

Ông Trần Việt Hùng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, trước đây, khi dự án chưa được triển khai, tuyến Quốc lộ 14 cũ xuống cấp, hư hỏng trầm trọng ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông rất cao, là điểm nghẽn cho phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên.

Việc tuyến đường hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch giúp giao thông qua khu vực Tây Nguyên rút ngắn 1/3 thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Cầu Bính, bắc qua sông Cấm nối liền hai tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tuyến đường nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đã được Bộ Giao thông Vận tải dồn lực đầu tư bằng nhiều hình thức, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội.

Dự án theo kế hoạch phải hoàn thành cuối năm 2016, nhưng đến nay nhiều dự án trên toàn tuyến đã được đưa vào sử dụng và dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành xong toàn bộ dự án, sớm khoảng 1 năm so với mục tiêu.

Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Xuân Sanh nhận định: Với việc mở rộng Quốc lộ 1 lên 4 làn xe, chắc chắn năng lực vận tải của trục xương sống Quốc lộ 1 sẽ tăng lên rất nhiều, kèm theo đó là giảm được ùn tắc và tai nạn giao thông.

Ngoài ra, các dự án cảng biển như: cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), mở cửa biển qua kênh Quan Chánh Bố (đồng bằng sông Cửu Long) dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới cũng mở ra cánh cửa đưa vận tải biển Bắc - Nam ra biển lớn, giúp giảm tải cho đường bộ, kết nối với các phương thức vận tải khác.

Bên cạnh đó, nhiều dự án giao thông nông thôn như đường bê tông, cầu treo cũng đang lan tỏa, phủ kín các vùng nông thôn, miền núi, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Với 186 cầu treo dân sinh đã hoàn thành đến tháng 8/2015, không chỉ giúp bà con vùng sâu, vùng xa bớt đi khó khăn mà còn mở ra những cơ hội phát triển kinh tế - xã hội./.

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục