Năng lượng tái tạo: Giải pháp cho nuôi trồng thuỷ sản

16:28' - 11/05/2018
BNEWS Việc tích hợp được năng lượng tái tạo, gồm điện gió, điện mặt trời… trong nuôi trồng thuỷ sản có thể giúp giảm bớt áp lực về điện.

Sử dụng điện cho nông, lâm, thuỷ sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua có sự gia tăng mạnh. Điều này ảnh hưởng tới khả năng cung ứng điện của ngành điện. Việc tích hợp được năng lượng tái tạo, gồm điện gió, điện mặt trời… trong nuôi trồng thuỷ sản có thể giúp giảm bớt áp lực về điện. 

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo “Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo, động lực cho phát triển năng lượng tại tạo ở Việt Nam”, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 11/5/2018.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trong giai đoạn 2015-2017, sản lượng điện thương phẩm cho nông, lâm, thuỷ sản đã tăng mạnh, nếu như năm 2015 là 1.482,41 Triệu kWh thì năm 2016 là hơn 2.628 kWh (tăng hơn 77%) và năm 2017 hơn 3.182 kWh (tăng hơn 21%). 

Nhìn chung, EVNSPC đã nỗ lực cung cấp điện đầy đủ cho nuôi tôm công nghiệp trong thời gian qua, song, hiện việc quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện, chưa đi vào chiều sâu và chưa có các cơ chế phối hợp hoạt động chung giữa các ngành.

Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng Giám đốc EVN SPC trình bày giải pháp cấp điện phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản khu vực phía Nam tại Hội thảo. Ảnh: EVNSPC.
Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho hay, do hầu hết các đường dây lưới điện trung hạ thế khu vực nông thôn thường là 1 pha với chiếm tỷ trọng cao, hầu hết các tuyến trục trung thế có tiết diện dây dẫn nhỏ, chiều dài lớn gây mất cân bằng phụ tải giữa các pha, làm gia tăng tổn thất điện năng. Vẫn còn một số tuyến cấp điện cho cả khu vực rộng nhưng có kết cấu hình tia nên không có khả năng dự phòng lẫn nhau vì vậy độ tin cậy cung cấp điện thấp nên việc đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải gặp rất nhiều khó khăn ở các khu vực này.

Theo ông Nguyễn An Bình, đại diện Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2, việc nuôi tôm theo hình thức bán công nghiệp của các hộ dân chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, sử dụng nguồn điện từ ánh sáng sinh hoạt, dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện, chất lượng điện áp không đảm bảo.

Mặc dù đã được ngành điện đầu tư hàng trăm tỷ đồng, song vẫn chưa đáp ứng đủ, do nhu cầu đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ nuôi trồng và sản xuất mặt hàng này thời gian tới vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, việc huy động vốn lại gặp rất nhiều khó khăn mà riêng EVNSPC không thể thực hiện được.

Vì vậy, ông Bình cho rằng, cần có những nguồn vốn và giải pháp để đảm bảo cung cấp điện phục vụ nuôi tôm; trong đó, ưu tiên các khu vực cấp bách, có tiềm năng phát triển mạnh là rất cần thiết. Việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời và gió phù hợp sẽ là một trong những giải pháp khả thi.

Trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt cấp điện cho các khu vực nuôi tôm ở miền Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long, việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng với quy mô phù hợp sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện sản xuất, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy và phát triển ngành nuôi tôm của khu vực.

Tiền Giang là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái và nuôi trồng  thủy sản. Những năm qua, nhu cầu sử dụng điện để phục vụ phát triển nông nghiệp ngày càng  tăng. Năm 2017, sản lượng điện năng tiêu thụ phục vụ trồng thanh long ra hoa trái vụ khoảng 88,8 triệu kWh (chiếm 3,8% tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh), phục vụ nuôi trồng thủy sản khoảng 52,4 triệu kWh (chiếm 2,3% tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh).

Đại diện lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho hay, tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho một số nhà đầu tư khảo sát, lắp đặt trạm quan trắc (cột đo gió) phục vụ cho mục đích nghiên cứu để lập các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã triển khai nhiều chương trình tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm công nghiệp. Có thể kể đến như Đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số  tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016-2018”.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2018-2019, Tổng công ty tiếp tục lập đề án triển khai thí điểm giải pháp mới: “Giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu - Giai  đoạn thí điểm 2018-2019”.

Theo EVNSPC, các hộ nuôi tôm sẽ có thể tiết kiệm được 572.004 kWh/năm, tương ứng với số tiền tiết kiệm hơn 951 triệu đồng/năm đến 1.456.351 kWh/năm, tương ứng số tiền tiết kiệm gần 2,5 tỷ đồng/năm. Còn với ngành điện, việc  triển  khai các  giải  pháp tiết kiệm điện giảm bớt được áp lực về cung cấp điện khi các hộ nuôi tôm thâm canh (siêu thâm canh) tự nhận thức và nâng cao ý thức về tiết kiệm điện.

EVNSPC cũng đang nghiên cứu triển khai năng lượng mặt trời trong nuôi tôm; hiện tại đang khảo sát nghiên cứu phương án tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời với bộ động cơ của dàn quạt.

Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), vấn đề đặt ra ở đây là quỹ đất dành cho nông nghiệp và phát triển năng lượng mặt trời thế nào? 

Bà Nguyễn Thị Hiền Trang, đại diện GIZ cho rằng, Việt Nam có thể lắp đặt thí điểm điện mặt trời trên mặt đất cho ao tôm, hệ thống phao nổi như tại Thái Lan; hệ thống lắp cố định trên mặt nước hay mái che một phần tại Trung Quốc; Công nghệ “thin film” lắp trên mái nhà kính tại Mỹ. GIZ sẽ tư vấn và hỗ trợ  cho các doanh nghiệp về việc đánh giá khả thi về kỹ thuật và bài toán đầu tư, quy trình đấu thầu và kết nối doanh nghiệp…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục