Nắng nóng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

10:17' - 03/06/2016
BNEWS Nắng nóng gay gắt tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ những ngày qua có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người.
Người dân thủ đô sống chung với nắng gay gắt đầu hè. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, hôm qua (2/6) nắng nóng đã xảy ra diện rộng trên khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ phổ biến 35-38 độ C, một số nơi trên 38 độ C như: Lạc Sơn (Hòa Bình) 38,1 độ C, Hòa Bình 38,2 độ C, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 38,6 độ C, Bắc Ninh 38,3 đo C, Sơn Tây (Hà Nội) 38,1 độ C, Láng (Hà Nội) 38 độ C, Tĩnh Gia 38,4 đo C, Đô Lương (Nghệ An) 38,4 đo C, Vinh (Nghệ An) 38,9 đo C; Hương Khê (Hà Tĩnh) 38,3 độ C; Tuyên Hóa (Quảng Bình) 38,0 độ C…

Sáng hôm nay (3/6) nắng nóng diện rộng tiếp tục duy trì ở Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Các tỉnh Trung Bộ có nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C khoảng từ 10-18h.

Hà Nội có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày 37-39 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C khoảng từ 10-17h.

Khả năng cao đợt nắng nóng này kéo dài hết ngày hôm nay ở khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa. Từ ngày 5/6 nắng nóng sẽ dịu dần ở các tỉnh Trung Bộ.

Khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ (Bộ Y tế), bệnh nhi cấp cứu nhập viện tăng nhẹ so với ngày thường. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Nắng nóng trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy do nhiệt độ tăng quá cao.

Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…), các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy).

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử.

Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng.

Ngoài ra, nắng nóng kéo dài có thể gây hạn hán, thiếu nước sạch sinh hoạt làm các bệnh dịch càng dễ phát triển trong khi sức đề kháng của cơ thể kém đi do thiếu nước sạch… 

>>> Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng

>>> Dự báo thời tiết tháng 6: Sẽ có 2 đến 3 đợt nắng nóng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục