Ngành ngân hàng phục vụ Tết: Đảm bảo nhu cầu khách hàng

10:54' - 07/01/2017
BNEWS Vào thời điểm cuối năm và cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, nhu cầu giao dịch, thanh toán và tiêu dùng tiền mặt của người dân tăng cao ...
Người dân đến giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Vào thời điểm cuối năm và cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, nhu cầu giao dịch, thanh toán và tiêu dùng tiền mặt của người dân tăng cao, hầu hết các hệ thống ngân hàng thương mại đã có kế hoạch chuẩn bị và xử lý kịp thời các sự cố tài chính, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ trong dịp Tết.

Bên cạnh việc ưu tiên đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán thì công tác an ninh, bảo mật cũng được ngành ngân hàng đặc biệt coi trọng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 12/2016, tình hình tiền mặt tại thành phố bội chi do nhu cầu tiền mặt của các tổ chức tín dụng tăng cao vào dịp cuối năm; trong đó, tổng doanh số chi dự kiến tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt về cả số lượng và cơ cấu kịp thời cho các tổ chức tín dụng lưu thông hàng hóa, tiền tệ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, cũng tăng cường ổn định thu chi kịp thời, chính xác, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản kho quỹ.

Ghi nhận tại các phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, cho thấy lượng khách đến tăng cao so với thời điểm bình thường trong năm, đồng thời đang trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nên nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.

Bà Trần Thị Mai Thu, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, cho biết, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tiền mặt rất cao, do ai cũng cần tiền mặt để thanh toán, mua sắm...

Đặc biệt, là đối với những người kinh doanh, buôn bán nhỏ thì cần tiền mặt để quyết toán tiền hàng, vì chi trả bằng tiền mặt thì khâu nhập hàng và xuất hàng sẽ được nhanh hơn.

Tương tự, ông Trần Văn Thạnh, Giám đốc Công ty sản xuất bao bì Hoàng Huy (Quận 12) cho biết, để chuẩn bị việc phát lương thưởng cho công nhân viên và người lao động, công ty đã lên kế hoạch trả lương từ khá sớm.

Theo đó, dựa vào kinh nghiệm qua các năm, các khoản lương, thưởng của người lao động được công ty chi trả theo hai hình thức gồm tiền mặt và chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng.

Do đó, để có thể đảm bảo đủ lượng tiền mặt, doanh nghiệp đã làm việc với hệ thống ngân hàng từ khá sớm, nhằm phòng tránh rủi ro trong dịp Tết với nhu cầu tiền mặt tăng cao.

Đánh giá về nhu cầu tiền mặt trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Thẻ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn Thương tín (Sacombank), cho rằng, nhu cầu rút tiền mặt của người dân vào dịp cuối năm cũ - đầu năm mới thường tăng rất cao, thậm chí tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường, bởi đây là thời điểm các công ty, doanh nghiệp trả lương, thưởng và cần tiền mặt để chi tiêu Lễ, Tết...

Các hệ thống ngân hàng thương mại luôn lường trước được nhu cầu thị trường nhưng diễn biến mỗi năm mỗi khác, nên việc nhiều ngân hàng thương mại dù chuẩn bị kỹ lưỡng mà vẫn gặp sự cố trong việc đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt cho người dân là điều có thể xảy ra.

Trong những năm gần đây, nhiều hệ thống ngân hàng đã phát triển và mở rộng mạng lưới thanh toán qua thẻ, góp phần giảm tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt qua ATM cũng như chi trả trực tiếp bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, ở Việt Nam người dân vẫn có thói quen tiêu dùng, mua sắm và chi trả trực tiếp tiền mặt, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, người lao động, công nhân, học sinh, sinh viên...

Cùng với những vấn đề về chất lượng dịch vụ giao dịch qua các hệ thống ngân hàng, tâm lý người dân lo ngại như việc ATM hết tiền, bị nuốt thẻ, xếp hàng...

Mặt khác, các sự cố ATM thường xảy ra ở những địa điểm như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, do đó các hệ thống ngân hàng cần chú trọng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng và xử lý sự cố trong thời điểm trước, trong và sau Tết.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), khẳng định, ACB luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn cũng như cung ứng tiền mặt tại các phòng giao dịch ngân hàng, ATM không chỉ mùa cao điểm cuối năm mà ngay cả trong năm.

Dự đoán được nhu cầu giao dịch, chuyển tiền, rút tiền mặt của khách hàng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, nên ACB cũng cam kết các phòng giao dịch ngân hàng, ATM của ngân hàng luôn sẵn sàng phục vụ người dân.

Để đảm bảo tiền tệ, kho quỹ và thu chi tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu rút tiền mặt cho khách hàng, tăng cường chi những loại tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt qua máy ATM của người dân, tuyệt đối không để máy ATM ngưng hoạt động do thiếu tiền.

Trong trường hợp, các máy ATM xảy ra sự cố hoặc không đảm bảo vận hành thông suốt cho người dân rút tiền trong 24 giờ, các hệ thống ngân hàng phải kịp thời khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Mặt khác, để giảm tải cho hệ thống máy ATM trong mùa cao điểm Tết, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các hệ thống ngân hàng trên địa bàn có biện pháp chi viện nhân viên ngân hàng đến tận nơi để chi trả tiền mặt cho những khu vực, đơn vị tập trung số lượng lớn công nhân, người lao động.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh chi trả lương thưởng kịp thời cho người lao động, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt phục vụ người dân và doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục