Nghề đục đá truyền thống dưới chân núi Đá Tiên

19:09' - 18/02/2018
BNEWS Trong khi ở nhiều nơi, nghề truyền thống đang bị mai một thì nghề đục đá truyền thống ở xã Minh Quang, huyện vùng cao Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vẫn đứng vững và phát triển.

Bằng kinh nghiệm và sự sáng tạo của người thợ, những tảng đá thô sơ đã được biến thành những sản phẩm độc đáo mang đậm nét văn hóa của dân tộc Tày, đồng thời đem lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Nghề đục đá tại xã Minh Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang). Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Dọc theo tỉnh lộ 185 đoạn qua xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa có một dãy núi kéo dài gần 1km với những tảng đá tạo nên khung cảnh đẹp tựa bức tranh. Dãy núi đó có tên gọi là Đá Tiên. Những phiến đá ở dãy núi này có độ cứng vừa phải, lúc đục ra có màu trắng, lấp lánh rất phù hợp với việc chế tác đá. Đây cũng là nơi duy nhất ở Tuyên Quang có loại đá này.

Không ai biết nghề đục đá ở xã Minh Quang có từ bao giờ và ai là người đầu tiên làm nghề này ở địa phương. Chỉ biết rằng bằng những dụng cụ thô sơ như búa, mũi đục đủ kích thước, dưới bàn tay tài hoa của người thợ, những khối đá vô tri đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo nổi tiếng khắp vùng.

Nghề đục đá tại xã Minh Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang). Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Anh Ma Văn Tuyên, thôn Nà Da, xã Minh Quang cho biết, anh theo nghề đục đá từ hơn 20 năm nay. Nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những người thợ làm nghề đục đá được chia làm hai nhóm gồm nhóm đi khai thác và nhóm chuyên đục đá.

Để có được một sản phẩm đẹp hoàn thiện cả về nội dung và hình thức thì cả hai nhóm thợ đều có vai trò quan trọng như nhau. Nhóm đi khai thác đá thô làm phôi chủ yếu là những thanh niên có sức khỏe, nhanh nhẹn. Họ sẽ leo lên những vách núi để tìm những phiến đá có vân đẹp, màu đẹp, sau đó khai thác và bán cho những người thợ ở dưới chân núi.

Tùy vào kích thước, hình dáng mà phiến đá đó được bán với giá cao hay thấp. Riêng nhóm thợ chuyên đục đá thành các sản phẩm thì hầu hết là những người ở tuổi trung niên, đã có kinh nghiệm, vững tay nghề. Họ kiên trì, tỉ mỉ đục, giũa để tạo ra những sản phẩm tinh xảo từ đá.

Anh Ma Quang Vĩnh ở thôn Nà Da, xã Minh Quang chia sẻ, để theo nghề này, người thợ phải kiên trì và có sự sáng tạo. Mỗi tảng đá sẽ có hướng vân khác nhau, chỉ cần sơ suất một chút đưa mũi đục không đúng hướng hoặc dùng lực mạnh quá là phiến đã sẽ bị vỡ ngay. Để tạo ra những sản phẩm ưng ý, người thợ đục đá phải tính toán hướng đục và sử dụng lực nặng nhẹ khác nhau, đồng thời tìm tòi những cách trang trí riêng.

Nghề đục đá tại xã Minh Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang). Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Trước đây, người dân chủ yếu làm nhà sàn, nhà gỗ, để khỏi bị mục, phải dùng trụ đá kê chân cột vì thế nghề đục đá ở địa phương rất phát triển. Không chỉ có trụ đá kê cột nhà, những sản phẩm khác từ đá như: cối giã, cối xay... cũng được những người thợ nơi đây sản xuất rồi bán cho người dân các bản làng trong và ngoài tỉnh qua các chợ phiên. Điều đặc biệt, những phiến đá này luôn có mặt trong tất cả những ngôi nhà sàn của người Tày.

“Trước đây, toàn bộ công đoạn chế tác đá đều phải làm thủ công nên người thợ mất rất nhiều thời gian, công sức để có được một sản phẩm ưng ý. Ngày nay, nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, năng suất lao động tăng lên rất nhiều. Nếu trước đây làm một trụ đá kê nhà loại lớn, một người thợ phải mất 2-3 ngày mới xong thì nay chỉ trong khoảng 1 ngày, sản phẩm sẽ được hoàn thiện”, ông Vũ Văn Đãng ở thôn Nà Chình, xã Minh Quang cho biết.

Theo ông Ma Công Vịnh, Chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa: Hiện nay, nhiều người muốn quay về với lối kiến trúc xưa, vì vậy lượng khách hàng tìm về làng nghề đục đá ngày một đông. Nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Lạng Sơn, Hòa Bình… cũng lặn lội về đây để đặt hàng. Toàn xã có 15 người chuyên làm nghề này nhưng những lúc nông nhàn số người làm nghề đục đá tăng lên.

Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch UBND xã Minh Quang, hiện nay khu vực này vẫn chưa được Nhà nước quy hoạch, cấp phép để phát triển nghề đục đá. Vì vậy xã mong muốn được các cơ quan liên quan quan tâm giúp đỡ để người dân trong xã phát triển nghề truyền thống theo đúng quy hoạch. Bên cạnh đó, chính quyền xã đã thường xuyên tuyên truyền để người dân thận trọng, đảm bảo an toàn lao động trong quá trình sản xuất.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục