Ngộ độc rượu Methanol: Giải pháp nào để xử lý tận gốc?

15:06' - 23/03/2017
BNEWS Ngộ độc rượu chứa độc tố Methanol đang ngày càng phổ biến khi gần đây có rất nhiều trường hợp ngộ độc tập thể được cấp cứu vào bệnh viện quá muộn dẫn tới tử vong, mù lòa.
Tọa đàm "Ngộ độc rượu Methanol thực trạng và giải pháp". Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Mặc dù khung pháp lý cần thiết để quản lý đã được Nhà nước ban hành nhưng tình trạng sản xuất rượu và bán rượu không rõ nguồn gốc vẫn ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn phối hợp lỏng lẻo, chưa quyết liệt vào cuộc để rồi tình trạng ngộ độc rượu, thậm chí ngộ độc tập thể dẫn tới tử vong vẫn là những câu chuyện diễn ra hết sức nhức nhối.

Nhà nước thì thất thu, tính mạng người dân bị đe dọa

Chủ đề này đã được thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm "Ngộ độc rượu Methanol thực trạng và giải pháp" do Hiệp hội Bia- Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức sáng 23/3 ở Hà Nội.

Tại Tọa đàm, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên đến từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tiếp nhận 34 bệnh nhân đến cấp cứu vì ngộ độc rượu.

Trung tâm Chống độc chăm sóc bệnh nhân ngộ độc rượu methanol. Ảnh: Tư liệu bệnh viện – TTXVN phát

Trong đó, có 9 bệnh nhân đã tử vong, 15 trường hợp bị tổn thương não, 15 trường hợp bị giảm thị lực/mù khi ra viện và 1 trường hợp bị mất thị lực hoàn toàn.

Đáng chú ý, 32/34 trường hợp ngộ độc này xảy ra ngay tại các quận nội thành Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan quản lý đầu não về sản xuất và kinh doanh rượu như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Chi cục quản lý thị trường Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, Nguyễn Văn Việt cho biết, nguyên nhân đã được xác định là do các nạn nhân uống các loại rượu tự pha chế, chứa độc tố Methanol vượt quá ngưỡng cho phép, có trường hợp vượt ngưỡng đến 1 nghìn lần, dẫn tới tử vong.

Đại diện Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Aroma - đơn vị sản xuất rượu Vodka Men cho biết, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94 về sản xuất và kinh doanh rượu.

Trong đó có quy định toàn bộ rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước (bao gồm cả sản phẩm của các làng nghề, các hợp tác xã, các tổ chức và cá nhân sản xuất rượu thủ công) phải được dán tem và đăng ký công bố hợp quy về chất lượng.

Tuy nhiên, 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế.

Theo đó, Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn và nguy hiểm hơn, điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng, dẫn tới những ca ngộ độc cấp tính nghiêm trọng.

Chi cục QLTT Hà Nội thu giữ hơn 1000 lít rượu không rõ nguồn gốc tại số nhà 32, ngõ 129, phố Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, ngày 9/3/2017. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Quản lý và phối hợp lỏng lẻo

Một cơ sở sản xuất rượu trái phép theo cách pha cồn công nghiệp Methanol với nước lã tại Đại Lâm (Bắc Ninh) đã được báo chí phản ánh từ những năm 2012 nhưng cho đến tận tháng 3 năm nay, hoạt động trái phép này vẫn ngang nhiên tồn tại, đại diện báo Lao Động khẳng định.

Điều đáng nói là báo chí còn có đầy đủ bằng chứng về cách thức sản xuất, con đường tiêu thụ của sản phẩm "giết người" này từ Bắc Ninh về Hà Nội và các tỉnh lân cận nhưng ngay Ban chỉ đạo 389 và thanh tra các Bộ liên quan lại không hề biết.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng th ường trực Ban Chỉ đạo 389 thừa nhận, sự phối hợp giữa các bộ ngành vẫn chưa chặt chẽ chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng "cha chung không ai khóc".

Trong vấn nạn rượu chứa độc tố Methanol, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan quản lý thị trường mà còn là của cả Bộ Công Thương, Bộ Y tế vì các cơ quan này đều có thanh tra chuyên ngành.

Đặc biệt, trách nhiệm quản lý, giám sát của người đứng đầu chính quyền cơ sở là rất lớn, ông Hùng nhấn mạnh.

Chỉ rõ những lỏng lẻo trong quản lý sản phẩm cồn công nghiệp Methanol, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam Phan Thị Kim cho biết, nguyên liệu cồn công nghiệp, cồn y tế đang được bán thoải mái trên thị trường chính là cơ hội cho các cá nhân và cơ sở sản xuất hám lợi sử dụng pha vào nước để sản xuất rượu.

Trong khi đó, quy chuẩn quy định về sản phẩm rượu pha chế lại chưa có. Đây thực sự là vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng cần được xử lý sớm, bà Kim khẳng định.

Siết chặt sản xuất thủ công và bán lẻ

Một đại diện đến từ Bộ Công Thương chỉ rõ, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu trong nước hiện nay mới chỉ phát huy tác dụng tới khâu sản xuất, khâu bán buôn, còn khâu bán lẻ vẫn còn "bỏ ngỏ".

Đặc biệt, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu tại các làng nghề, các hộ gia đình nhỏ lẻ khá khó khăn trong khi phần lớn các sản phẩm rượu chứa Methanol vượt ngưỡng an toàn đều "ra lò" từ các cơ sở kiểu này.

Vì vậy tới đây, cơ quan quản lý cần có quy định hộ gia đình sản xuất rượu tại làng nghề phải đăng ký sản xuất với chính quyền, việc bán lẻ sản phẩm rượu cũng phải có đăng ký rõ ràng để quy trách nhiệm cụ thể khi có các vụ ngộ độc rượu xảy ra.

Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử phạt thật nặng các trường hợp sản xuất rượu trái phép, bà Phan Thị Kim đề xuất.

Đồng tình với các đề xuất này, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương Phan Chí Dũng cho rằng quy trình cấp phép phải đơn giản hoá để các cơ sở kinh doanh dễ dàng đăng ký với chính quyền việc bán rượu có nguồn gốc, tem nhãn, thành phần rõ ràng thuận tiện, cấm bán rượu không có nguồn gốc.

Đại diện Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đề xuất cơ quan chức năng quản lý chặt việc sản xuất kinh doanh cồn công nghiệp bởi đây chính là nguyên liệu đầu vào chủ yếu sản xuất rượu giả trên thị trường hiện nay.

Trong khi đó, việc cung cấp nguồn cồn công nghiệp này không chỉ từ các đầu mối tại Hà Nội mà từ rất nhiều tỉnh thành. Vì vậy, việc quản lý này phải là trách nhiệm của các cơ quan Trung ương thì mới đủ tầm bao quát.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng nhất trí giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về tác hại của việc uống các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, rượu trôi nổi để mỗi người dân là nhà tiêu dùng "thông thái".

Theo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, Chi cục đã thu giữ 80 nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc, rượu có thành phần độc tố Methanol vượt ngưỡng cho phép về an toàn sức khỏe./.

>>>Bộ Y tế tiếp tục cảnh báo đề phòng ngộ độc rượu

>>>Tin mới nhất về 9 sinh viên ngộ độc methanol sau khi liên hoan mừng 8/3

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục