Nhập siêu đã quay trở lại trong tháng 1/2017

13:16' - 02/02/2017
BNEWS Ngược chiều với kết quả cả năm 2016 là xuất siêu hàng tỉ USD, bước sang nửa tháng đầu năm 2017 nhập siêu đã trở lại.
Nhập siêu đã quay trở lại trong tháng 1/2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo số liệu thống kê, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2017 tăng so với cùng kỳ, nhưng so với tháng 12/2016 lại giảm 13%.

Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 14,6 tỷ USD, giảm 12% và trị giá nhập khẩu đạt 14,7 tỷ USD, giảm 14%. Do vậy, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên của năm 2017 đã thâm hụt 100 triệu USD, tương đương 0,7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng.

Về xuất khẩu, nhiều mặt hàng chủ lực có kim ngạch giảm so với tháng 12/2016. Điển hình, điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,5 tỷ USD, giảm 7,1%; dệt may đạt 2,05 tỷ USD, giảm 10,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,6 tỷ USD, giảm 14,1%; giày dép đạt 1,2 tỷ USD, giảm 10,2%...

Về nhập khẩu, kim ngạch của nhiều mặt hàng chủ lực cũng giảm đáng kể, như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 2,6 tỷ USD, giảm 15,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,25 tỷ USD, giảm 10,3%; xăng dầu các loại nhập khẩu 900 nghìn tấn, giảm 32,7%- trị giá là 510 triệu USD, giảm 23,6%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 850 triệu USD, giảm 15%; sắt thép các loại nhập khẩu 1,15 triệu tấn, giảm 24,3%- trị giá là 710 triệu USD, giảm 7,9%..

Để xuất khẩu trong năm 2017 đạt hiệu quả cao, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án phát triển xuất khẩu bền vững; trong đó, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm cơ cấu lại thị trường; đổi mới tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và sản phẩm xuất khẩu nhằm giúp doanh nghiệp không bị vấp bởi các rào cản thương mại khi xuất khẩu sang các thị trường.

Riêng với các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, bảo đảm chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển sản xuất để tăng nhanh xuất khẩu, đồng thời đáp ứng nhu cầu trong nước; khai thác tốt lợi thế so sánh của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm và tiến tới cân bằng cán cân thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục