Những mục tiêu của Bộ Y tế trong năm 2018

13:51' - 15/02/2018
BNEWS Năm 2018, Bộ Y tế đặt mục tiêu nâng tỷ lệ số giường bệnh/10.000 dân lên 26; số bác sĩ/10.000 dân là 8,6; và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 88,5%.
Bộ Y tế đặt mục tiêu nâng tỷ lệ số giường bệnh/10.000 dân lên 26. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN
Phát triển y tế cơ sở không phải là làm cho tất cả các trạm y tế trên cả nước giống y như nhau mà cần tùy từng nơi, tùy điều kiện và khả năng để thực hiện chứ không được áp đặt sẽ dẫn đến lãng phí. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai công tác ngành y tế năm 2018 và Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức ngày 19-01-2018. 

* Sẽ triển khai mô hình tăng cường năng lực y tế cơ sở tại 26 trạm y tế xã 

Năm 2018, Bộ Y tế đặt ra một số chỉ tiêu như: số giường bệnh/1 vạn dân là 26; số bác sĩ/1 vạn dân là 8,6; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 14,3‰ ; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 88,5%... 

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, ngành y tế đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2018, bao gồm: Thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, cụ thể, triển khai mô hình tăng cường năng lực y tế cơ sở tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân; đẩy mạnh quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế xã. 

Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Bảo đảm vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 95%. 

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh: Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện nghĩa vụ luân phiên; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh; ban hành các quy trình chuyên môn; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức... 

Tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; bảo đảm hậu cần đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. 

Đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, vắcxin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân... 

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội… 

Về thực hiện nhiệm vụ năm 2018, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo, phát triển y tế cơ sở không phải là làm cho tất cả các trạm y tế trên cả nước giống y như nhau mà cần tùy từng nơi, tùy điều kiện và khả năng để thực hiện chứ không được áp đặt sẽ dẫn đến lãng phí. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các bệnh viện cần đẩy mạnh cơ chế tài chính tự chủ bệnh viện, không chỉ các bệnh viện trung ương mà thực tế cho thấy nhiều y tế cơ sở hoàn toàn tự chủ được. Tinh thần tự chủ là sử dụng toàn bộ các nguồn lực ở địa phương để phục vụ người dân mà không phân biệt công-tư. 

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến mô hình quản trị bệnh viện giữa y tế công và tư và đề nghị các bệnh viện lớn và có uy tín cần tiếp tục vai trò hỗ trợ theo mô hình bệnh viện vệ tinh và làm theo hình thức chuỗi bệnh viện (ví dụ như chuỗi bệnh viện về ung thư…) để chất lượng các tuyến có sự đồng đều, giảm tải tuyến trên… 

* Lấy người bệnh là trung tâm 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2017, ngành y tế đã nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm phục vụ, đạt được những kết quả quan trọng. 

Cụ thể, ngành đã hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu Quốc hội giao là chỉ tiêu số giường bệnh trên một vạn dân (giao 25,5, đạt 25,7) và chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (giao 82,2%, đạt 86,4%); Đạt 11/11 chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. 

Năm 2017, ngành y tế đã đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế lên 86,4%. 

Năm 2017 cũng là năm lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Cùng với việc bao phủ y tế toàn dân, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe là một trong những bước thực hiện bao phủ toàn diện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở. 

Về lĩnh vực khám chữa bệnh, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng như: thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 103; ca ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên và ca ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Bệnh Viện Chợ Rẫy… 

Trong năm 2017, Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, Hệ thống đã ghi nhận trên 8.713.000 đối tượng. Đảm bảo quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng, là trẻ em, phụ nữ theo mã ID, quản lý suốt đời từ khi trẻ sinh ra, quản lý vật tư vắcxin và các tiện ích khác cho người dùng như quét mã vạch đối tượng, nhắn tin cho người dân, cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng… 

Liên quan đến vắc xin, Việt Nam trở thành một trong 4 nước châu Á có thể tự sản xuất vắc xin phối hợp sởi-rubella, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắc xin 2 trong 1 trên dây truyền công nghệ hiện đại. Vắc xin này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào tháng 3-2017…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục