Nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương giảm mạnh

21:06' - 10/01/2017
BNEWS Đến cuối năm 2016, nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương còn khoảng 9.654 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 15.277 tỷ đồng vào cuối tháng 1/2016.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Số liệu trên được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, chiều 10/1. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì cuộc họp. 

* Xây dựng nông thôn có sự chuyển biến về chất lượng 

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, đối với các huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 14 huyện không có nợ, 4 huyện đã xử lý xong nợ ngay sau khi công bố đạt chuẩn. Theo tổng hợp nhanh của 25 địa phương có số nợ lớn (trên 100 tỷ vào thời điểm 31/1/2016), đến nay đã có 17/25 tỉnh đã giảm được số nợ với tổng mức giảm là 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8%. 

 

Trong năm 2016, tổng nguồn lực huy động được trong năm khoảng 228.398 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp là 7.374 tỷ đồng (3,2%), ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp 28.152 tỷ đồng (12,3%); tín dụng là: 136.693 tỷ đồng (chiếm 59,7%), từ doanh nghiệp là: 13.542 tỷ đồng (5,9%), cộng đồng dân cư và nguồn khác là: 19.504 tỷ đồng (8,5%). 

Cả nước đã có thêm 15 huyện, 828 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2016, cả nước có 2.358 xã (26,43%) đạt chuẩn nông thôn mới; còn 257 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 69 xã so với cuối năm 2015. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,47 tiêu chí/xã. Có 30 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Các đại biểu cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến về chất lượng và đi vào chiều sâu, các địa phương đã tập trung hơn để chỉ đạo các nội dung trọng tâm theo hướng dẫn của trung ương (về sản xuất, môi trường, văn hoá, xử lý nợ…). Sự xuất hiện nhiều mô hình nông thôn mới thiết thực, có hiệu quả và đi vào chiều sâu đã thể hiện rõ được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương. 

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng năm đầu tiên thực hiện lồng ghép hai Chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đa chiều, Bộ này đã chỉ đạo rất quyết liệt, hoàn thiện khung khổ pháp luật khổng lồ với 31 văn bản để hình thành điều kiện quy trình thực hiện cho giai đoạn mới. 

Theo Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự, chưa bao giờ trào lưu quan tâm đến nông nghiệp trong các thành phần kinh tế cao như hiện nay, nhiều tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Đây là nét mới, nếu biết cách thúc đẩy sẽ tạo ra sự bùng nổ. 

Theo mục tiêu đề ra, năm 2017, cả nước có khoảng 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng khoảng 4% so với năm 2016); có 35-38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng từ 5-8 đơn vị so với năm 2016); số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm 1 tiêu chí/xã so với năm 2016; tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 20%, giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống 150 xã. 

* Chăm lo sinh kế của người dân

Đánh giá về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, tổng vốn bố trí năm 2016 là 7.269,11 tỷ đồng. Trên cơ sở thông báo vốn, các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt kế hoạch và giao vốn thực hiện, tiến hành các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; các công trình hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi; nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo được việc làm cho lao động nông thôn, giúp tăng thu nhập của hộ gia đình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn. 

Ước đến cuối năm 2016, tỷ lệ nghèo cả nước còn 8,58 - 8,38%, giảm khoảng 1,3-1,5% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn 46,43%, giảm 4%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Theo Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, giảm nghèo tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Bắc, giảm 2,7%/31,8%. Chú ý vào là chăm lo sinh kế của người dân, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, giảm tối đa cho không, không tạo sự ỷ lại của người dân. Đồng thời, phát triển hạ tầng ở thôn bản, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội, tăng cường phân cấp cho xã, phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong thực hiện. Ngoài nguồn lực của Trung ương, địa phương, ông Dung cho rằng Ngân hàng Chính sách xã hội vừa qua đã góp phần rất quan trọng vào lĩnh vực này. 

Về nguồn vốn tín dụng chính sách, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, riêng năm 2016, vốn địa phương chuyển sang cho vay chương trình giảm nghèo là 1.888 tỷ đồng. Đây là năm lớn nhất, bằng 6 năm trước cộng lại, trong đó nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số lũy kế dư nợ của Hà Nội là lớn nhất, 1.434 tỷ đồng. Do Bộ Tài chính đã cấp đủ vốn cấp bù nên Ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao, đạt doanh số cho vay 55.150 tỷ đồng với gần 2,3 triệu lượt hộ được vay vốn. Năm đầu của chu kỳ giảm nghèo đa chiều, nguồn lực thông qua tín dụng chính sách là rất tốt, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,34%. 

Ông Thắng đề nghị hai Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Tài chính cân đối vốn điều lệ của Ngân hàng Chính sách xã hội đang thiếu để có nguồn lực thực thi nhiệm vụ trong giai đoạn tới; tăng mức cho vay vốn đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn (hiện là 6 triệu đồng)… 

Năm 2017, Ban Chỉ đạo đề ra mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần). 

* Hoàn thiện khung khổ pháp lý 

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như sự cố gắng nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, hoạt động đều tay của các bộ, ngành, đặc biệt là hai cơ quan thường trực là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia, chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Cơ bản đồng tình với mục tiêu đề ra trong năm 2017, Phó Thủ tướng đề nghị hai cơ quan thường trực rà soát lại theo tinh thần tích cực hơn. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng yêu cầu tính toán làm sao đạt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, xóa không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Cần phải đặt mục tiêu tích cực hơn, số huyện đạt tiêu chí nông thôn mới cũng phải rà soát lại, nếu chỉ tăng 5-8 huyện là khiêm tốn. 

Đối với Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng cho rằng tỷ lệ giảm nghèo theo đa chiều cần tính toán thêm. Ban Chỉ đạo phải đặt mục tiêu cao hơn, dứt khoát không thấp hơn mức Quốc hội đã giao. Chỉ tiêu giảm nghèo phải cao hơn mới có tích lũy trở lại để giải quyết chương trình liên quan đến xét duyệt về nông thôn mới. 

Nói về giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện khung khổ pháp lý, tiếp tục rà soát những văn bản còn nợ để hoàn thành trong quý I/2017, đặc biệt là các thông tư liên quan đến vấn đề vốn, để làm khung khổ cho phân bổ nguồn lực. 

Chỉ rõ, các bộ phải ban hành văn bản hướng dẫn 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay chưa thực hiện, Phó Thủ tướng nhắc nhở và giao Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đôn đốc, chậm nhất trong quý I/2017 phải xong để tổng hợp chung. Trên cơ sở Quyết định 1980/QĐ-TTg và hướng dẫn của các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh ban hành quyết định cụ thể cho địa phương. 

Phó Thủ tướng cũng nhắc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phải xuất bản cuốn cẩm nang về nông thôn mới, bao gồm khung khổ chương trình và 19 tiêu chí để thuận tiện cho công tác truyền thông, phổ biến pháp luật, giáo dục. 

Về nguồn lực, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ sớm cân đối phân bổ nguồn lực; tập trung giải quyết các thể chế chính sách để huy động doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và giảm nghèo bởi hiện chỉ có 5,9% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là quá thấp. Đối với đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội về cho cơ chế trực tiếp huy động tiết kiệm của dân cư, Phó Thủ tướng cho rằng thiếu nguồn lực thì phải giao cho Ngân hàng đi huy động, ngân sách chỉ cấp bù chênh lệch về lãi suất. 

Một vướng mắc được Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn giải quyết sớm, đó là quy định các tiêu chí xử lý cơ chế 80% tiền đấu giá quyền sử dụng đất để lại cho cấp xã bổ sung nguồn lực trên tinh thần phù hợp với Luật ngân sách và có vai điều hành, điều phối của ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu hai cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong nước và trong kiều bào ở nước ngoài./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục