Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi vướng “nút thắt” ở cấp cơ sở

20:51' - 07/01/2017
BNEWS Dù đã nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn vướng phải nhiều “nút thắt” khó gỡ ở cấp cơ sở, khiến cho tỷ lệ các xã đạt chuẩn còn thấp.
Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi vướng “nút thắt” ở cấp cơ sở. Ảnh minh họa: Thanh Hà - TTXVN
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, tính đến ngày 31/12/2016, toàn tỉnh mới chỉ có 24 xã đạt 19 tiêu chí, so với kế hoạch thấp hơn 2 xã. So với bình quân chung của cả nước, số xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ chiếm 14,6% (cả nước 25 %); số tiêu chí bình quân/xã là 10,47 tiêu chí, thấp hơn mức chung cả nước; số xã dưới 5 tiêu chí là 27 xã, xếp vào diện nhiều nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. 

Tại cuộc họp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016- 2020) tổ chức vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã khách quan chỉ ra nguyên nhân căn bản dẫn đến việc chậm tiến độ thực hiện là do có sự không đồng đều, chênh lệch giữa các địa phương thuộc diện thụ hưởng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều đại biểu cũng đã không ngần ngại nêu ra những khó khăn, trở ngại mà địa phương gặp phải. Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho rằng, còn có sự “ép chín” tại một số nơi. Nếu huyện muốn về đích sớm thì bắt buộc nhiều xã phải “hi sinh” khiến cho chương trình thật sự không mấy hiệu quả. Ông cũng đề nghị tỉnh sớm tháo gỡ nợ đọng xây dựng nông thôn mới; sớm phân bổ nguồn kinh phí kịp thời vì nếu chậm trễ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc. 

Ông Phan Bình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành kiến nghị, cần có một cơ chế thông thoáng thay vì quá cứng nhắc trong việc thực thi chương trình. “Vật giá ngày càng tăng trong khi nguồn kinh phí rót xuống quá eo hẹp nên địa phương rơi vào thế bí khi không biết tìm đâu ra nguồn đối ứng”- ông Bình nói. 

Cũng theo vị lãnh đạo này, tỉnh Quảng Ngãi cũng cần phải quan tâm đến việc phát triển ngành công nghiệp, đưa các loại hình dịch vụ về địa phương nhằm tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng bình quân đầu người, nguồn đóng góp xã hội hóa cho chương trình cũng tăng dần theo tỷ lệ thuận, hướng tới xóa bỏ dần tính trông chờ, ỷ lại từ các cấp. 

Còn đại diện lãnh đạo huyện Sơn Tịnh cho rằng, tỉnh nên có một thiết kết chung, mô hình mẫu về nhà văn hóa thôn để các huyện theo đó xây dựng; làm thế nào vừa nhanh, gọn vừa tiết kiệm, tránh phát sinh tiền thiết kế gây lãng phí. 

Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Đình Trà cho hay, khó khăn lớn nhất gặp phải trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là huy động nguồn lực. Muốn có hiệu quả thì nguồn lực phải mạnh, trong khi kinh phí địa phương có hạn. Nhiều khi huyện muốn khai thác quỹ cát, quỹ đất hiện có để bổ sung kinh phí thì lại vướng đến nhiều Sở, ngành liên quan… 

Trước những bất cập được nêu ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường… nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tùy theo tình hình cụ thể của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để huyện, xã hoàn thành mục tiêu xây dung nông thôn mới. Nếu có vấn đề gì phát sinh, không thể xử lý theo thẩm quyền thì trình ngay cho UBND tỉnh giải quyết. 

Trong giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư hơn 12.700 tỷ đồng cho chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến cuối năm 2020 có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới với bình quân số tiêu chí/xã là 16,5 tiêu chí. 

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, để thực hiện thành công, tỉnh Quảng Ngãi tăng cường đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện chương trình để họ có đủ trình độ năng lực trong công tác tham mưu, đề xuất Ban chỉ đạo các cấp về quản lý, điều hành chương trình; đủ năng lực giám sát, đánh giá và tổ chức thực hiện chương trình. Tỉnh chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với thực tế, đồng thời có giải pháp hiệu quả để huy động mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, ưu tiên các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Cùng với đó thực hiện lồng ghép một cách có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo nghề cho lao động nông thôn…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục