Olympic 2018: Chiến dịch ngoại giao mới của CHDCND Triều Tiên?

06:03' - 15/01/2018
BNEWS Tờ The New York Times có bài viết cho rằng trong suốt năm 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã dọa dẫm cả thế giới bằng các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân.
Olympic 2018: Chiến dịch ngoại giao mới của CHDCND Triều Tiên? Ảnh: TTXVN

Giờ đây, năm mới đem lại cho ông một cơ hội lý tưởng để bất ngờ mở chiến dịch ngoại giao: Thế Vận hội Mùa Đông Pyeongchang (Hàn Quốc).

Thông báo của Kim Jong-un về khả năng Triều Tiên tham dự Thế Vận hội diễn ra ở thành phố Pyeongchang (Hàn Quốc) vào tháng tới - và việc hai miền Triều Tiên sẽ tổ chức một loạt cuộc hội đàm cũng như trao đổi nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng - được Hàn Quốc đón nhận tích cực. 

Tuy nhiên, hầu như không có nhà phân tích nào tin rằng ông Kim Jong-un được khích lệ bởi tinh thần thể thao.

Paik Hak-soon, nhà phân tích kỳ cựu thuộc Viện Sejong ở Hàn Quốc, cho rằng "ưu tiên của Kim Jong-un là đề phòng trước lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ tiến hành cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào chính phủ của ông, đồng thời ông ta muốn làm dịu tác động của các lệnh trừng phạt. Pyeongchang tạo ra một cơ hội hoàn hảo".

Những chỉ dấu về chiến lược của ông Kim Jong-un có thể được tìm thấy trong thông điệp Năm mới của ông, trong đó ông đề xuất với Hàn Quốc về khả năng Triều Tiên cử đoàn tham gia Thế Vận hội. 

Cũng trong bài phát biểu này, Kim Jong-un tỏ ý tin tưởng rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ ngăn được Mỹ phát động chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, "huyênh hoang" về "nút bấm hạt nhân" trên bàn làm việc của ông. 

Tuy nhiên, ông kêu gọi người dân chuẩn bị tinh thần đón nhận những tác động từ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc mà có tin đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Sau đó, Kim Jong-un chìa "cành ô liu" cho Hàn Quốc, hối thúc nước này không ủng hộ Washington trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên. 

Ông cũng kêu gọi những "người anh em cùng giống nòi" tại cả hai miền Triều Tiên đoàn kết vì hòa bình - một lời kêu gọi chắc chắn nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người Hàn Quốc cấp tiến.

Ngay sau bài phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-un, Bình Nhưỡng đã khôi phục đường dây nóng giữa hai chính phủ sau hai năm gián đoạn. Cuối tuần qua, cả hai bên đã nhất trí tiến hành hội đàm tại làng biên giới Panmunjom, và tại cuộc gặp diễn ra ngày 9/1, họ tuyên bố đoàn vận động viên Triều Tiên sẽ tham dự Thế vận hội. 

Trong tuyên bố chung ngày 9/1, cả hai miền Triều Tiên cũng cho biết họ sẽ tiến hành các cuộc thảo luận cấp cao và thúc đẩy trao đổi trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đối thoại giữa hai quân đội, để làm dịu căng thẳng và "thúc đẩy hòa giải và đoàn kết dân tộc".

Nếu các cuộc hội đàm giữa hai miền Triều Tiên dẫn đến những cuộc đàm phán thực chất, điều này có thể khiến ông Trump giảm bớt những lời đe dọa chiến tranh, đồng thời làm dịu áp lực buộc Trung Quốc phải thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt. 

Tuy nhiên, bất kỳ hành động khiêu khích mới nào từ phía miền Bắc, chẳng hạn như một vụ thử tên lửa, có thể nhanh chóng làm thay đổi xu hướng này.

Koh Yu-hwan, Giáo sư chuyên nghiên cứu Triều Tiên của trường Đại học Dongguk ở Seoul, cho rằng "đề xuất hòa bình của Kim Jong-un đang dẫn đến những bước đi đầu tiên của một giai đoạn quá độ từ đối đầu và gia tăng thẳng sang làm dịu xung đột và mang lại triển vọng hòa bình cho bán đảo Triều Tiên".

Giới phân tích cho rằng có lẽ ông Kim Jong-un lựa chọn bắt tay với Hàn Quốc vì những lệnh trừng phạt Triều Tiên đang phát huy hiệu quả, hoặc vì ông ta sợ hãi trước những lời đe dọa hành động quân sự của ông Trump, hoặc có thể ông ta đã hài lòng trước những tiến triển của chương trình hạt nhân nước mình và nhận thấy giờ là thời điểm thích hợp để đạt được một thỏa thuận.

Tuy nhiên, nếu ý định của ông ta là gây chia rẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ bằng cách kêu gọi chủ nghĩa dân tộc dựa trên sắc tộc ở Hàn Quốc, cũng như lợi dụng mong muốn của người dân Hàn Quốc muốn có sự "tan băng" sau nhiều tháng căng thẳng, ông ta khó có thể lựa chọn được con đường nào tốt hơn con đường thể thao.

Bất chấp sự thù địch nhiều năm giữa hai miền Triều Tiên, Hàn Quốc thường xuyên cổ vũ cho cổ động viên Triều Tiên tại các giải thi đấu quốc tế. Năm 1964, hai miền Triều Tiên đã thảo luận về việc cùng thành lập đội tham dự thế vận hội, ý tưởng này đã được nêu lại sau đó song chưa bao giờ thành hiện thực.

Tuy nhiên, vào năm 2000 - năm hai miền Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên - vận động viên cả hai nước đã diễu hành cùng nhau tại lễ khai mạc Thế Vận hội Sydney.

Họ lại làm như vậy tại Thế vận hội Athens năm 2004, mang theo lá cờ xanh trắng tượng trưng cho một nước Triều Tiên thống nhất. Lần cuối cùng vận động viên hai nước diễu hành chung là tại Thế Vận hội Mùa đông châu Á ở Changchun (Trung Quốc) năm 2007.

"Tôi muốn chứng kiến niềm tự hào đó một lần nữa", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói như vậy hồi tháng 6/2017, với ngụ ý rằng hai quốc gia có thể cùng nhau diễu hành tại Pyeongchang. Ngày 9/1, các quan chức Hàn Quốc cho biết hai bên sắp đạt được nhất trí về điều này.

Trong những tháng qua, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi đối thoại với Triều Tiên và hối thúc nước này tham dự Thế vận hội, trong khi phản đối việc chính quyền Trump nói về khả năng hành động quân sự. 

Để làm hài lòng Triều Tiên, ông Moon Jae-in cũng đề nghị không tổ chức diễn tập quân sự chung với Mỹ trong thời gian diễn ra Thế Vận hội. Ngoài ra, đối với ông Moon Jae-in, đề nghị của ông Kim Jong-un được đưa ra vào thời điểm rất thích hợp.

Chính phủ của ông đang gặp khó khăn trong việc bán vé Thế vận hội.Nhưng giờ đây xuất hiện triển vọng hai miền Triều Tiên cùng cổ vũ cho các vận động viên đến từ miền Nam và miền Bắc.

Viễn cảnh này có thể góp phần làm xao lãng những chỉ trích của phái bảo thủ đối với chính sách thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên mà Moon Jae-in đang theo đuổi.

Xem ra, ông Moon Jae-in đang hy vọng rằng sự tan băng này sẽ dẫn đến những cuộc đàm phán quy mô lớn hơn, có sự tham dự của Washington, về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. 

Nhưng giống như phần còn lại của thế giới, ông thừa biết rằng những thời khắc lạc quan trước đây về Triều Tiên đều kết thúc trong sự thất vọng. Ri Son-kwon, trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên hôm 9/1, đã phản đối khi Hàn Quốc kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán giải giáp hạt nhân. 

Ông Koh của trường Đại học Dongguk nói: "Hàn Quốc và Triều Tiên có những động cơ khác nhau đằng sau nỗ lực hòa bình này. Triều Tiên muốn thế giới chấp nhận họ là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và chung sống hòa bình với điều đó. Hàn Quốc lại muốn thúc đẩy hòa bình để phi hạt nhân hóa Triều Tiên"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục