Các hợp tác xã tiếp cận các nguồn lực từ thị trường còn hạn chế

14:35' - 20/01/2018
BNEWS Khả năng tiếp cận, huy động nguồn lực từ thị trường của phần lớn các hợp tác xã còn hạn chế, yếu kém, trong khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại khó có thể tiếp cận được.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Sự phát triển của kinh tế hợp tác, hợp tác xã đang trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, xu hướng ở các địa phương, là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.
Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là kết quả, nguyên nhân hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội theo chủ trương của Đảng, Quốc hội.
Đồng thời, việc phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể làm cho hiệu quả kinh tế nâng lên, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao phúc lợi cho người nông dân, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa V: Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức ngày 20/1 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tập trung phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo hướng nhanh và bền vững.

Cùng đó củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hiện có; đẩy mạnh xây dựng hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho biết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phấn đấu sẽ thành lập mới từ 4.500-5.000 tổ hợp tác; thành lập mới 2.300 hợp tác xã và Liên hiệp Hợp tác xã, trong đó có 1.500 hợp tác xã nông nghiệp.
Cùng đó, xây dựng khoảng 120 mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả phấn đấu đạt 50%.
Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục quán triệt, thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng tăng trưởng về quy mô, số thành viên, chuyên ngành; phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp với số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và đa dạng ở các ngành, lĩnh vực...
Nhìn nhận lại kết quả năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho hay, tính đến thời điểm này, cả nước có 19.487 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 11.756 hợp tác xã nông nghiệp, 1.661 hợp tác xã thương mại – dịch vụ; 54 Liên hiệp hợp tác xã, 97.589 tổ hợp tác với gần 1,6 triệu thành viên…
Cùng với đó, đến nay cả nước đã có 2.226 hợp tác xã thành lập mới, tăng 46,5% so với năm 2016. Vùng có số lượng hợp tác xã nhiều nhất là Đồng bằng sông Hồng (27,6%), Bắc Trung bộ (18,7%), ít nhất là Tây Nguyên (4,9%). Đặc biệt, 90% số hợp tác xã đã đăng ký hoạt động theo Luật, 38% số hợp tác xã làm ăn có hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh rằng, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã và đang phát triển cả số lượng và chất lượng, doanh thu lợi nhuận tăng hơn so với 2016, mang lại lợi ích cho các thành viên.
Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã đang trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, xu hướng ở các địa phương, là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế.
Không dừng lại ở việc tăng số lượng mà chất lượng của các hợp tác xã cũng ngày một cải thiện, nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả. Hơn nữa, không ít địa phương đã kiên quyết xử lý giải thể những hợp tác xã làm ăn manh mún, khiến con sâu làm rầu nồi canh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng thẳng thắn thừa nhận số hợp tác xã thành lập vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cả nước nhiều xã còn chưa có hợp tác xã.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lớn hợp tác xã nông nghiệp diện tích bình quân đầu người thấp; vốn tự có, năng lực quản trị yếu. Còn hợp tác xã trong các lĩnh vưc như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại còn gặp nhiều khó khăn thách thức, quy mô nhỏ.
Hơn nữa, khả năng tiếp cận, huy động nguồn lực từ thị trường của phần lớn các hợp tác xã còn hạn chế, yếu kém, trong khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại khó có thể tiếp cận được.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, thời gian qua cả hệ thống đã nỗ lực, huy động các nguồn lực thực hiện có hiệu quả hoạt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương xây dựng các Nghị quyết, văn bản pháp luật, kế hoạch… phát triển hợp tác xã.
Ngoài ra, toàn hệ thống đã đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; chủ động tích cực triển khai xây dựng hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị bằng nhiều nguồn lực; chủ động tích cực triển khai xây dựng nhiều Đề án nhằm phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo đã chỉ ra việc đầu tư cho công tác tuyên truyền còn hạn chế, một số Liên minh tỉnh, thành phố chưa tham mưu hiệu quả cho chính quyền địa phương. Hơn nữa, hệ thống chưa làm tốt chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên; cơ sở vật chất của hệ thống còn thiếu thốn, xuống cấp…
Để khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển theo đúng mục tiêu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tập trung tổ chức quán triệt, tôn chỉ, mục đích bởi chức năng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của thành viên Hợp tác xã.
Mặt khác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, liên kết chặt chẽ và có hiệu quả.
Đặc biệt, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cung ứng các dịch vụ cho Hợp tác xã; phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng tăng trưởng về quy mô, số thành viên, chuyên ngành.
Phó Thủ tướng cho rằng Liên minh Hợp tác xã cần phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đẩy mạnh và đổi mới phương thức tuyên truyền về sự phát triển và lợi ích của hợp tác xã mang lại cho các thành viên để nâng cao nhận thức của người dân cũng như các cấp, các ngành về hợp tác xã kiểu mới.
Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định, ngay từ những tháng đầu năm 2018, đơn vị sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị ở các tỉnh thành phố.
Ngoài ra, đầu tư nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn và cung ứng các dịch vụ theo nhu cầu của các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã có điều kiện và năng lực sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Tới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2002 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Không những thế, tăng cường và nâng cao hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Chủ động nghiên cứu thực tiễn phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp uỷ và chính quyền địa phương các giải pháp phù hợp; sửa đổi ban hành chính sách và pháp luật.
Hơn nữa, Liên minh Hợp tác xã sẽ nâng cao vị trí, vai trò của hệ thống Liên minh Hợp tác xãViệt Nam trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Đặc biệt, tăng cường liên kết hệ thống; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhanh và bền vững; xây dựng hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam vững mạnh với phương châm "Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả"./.
Xem thêm:

>>>Đến năm 2020, mục tiêu có 500 hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao

>>>Phát triển hợp tác xã kiểu mới - Bài 2: Còn nhiều "nút thắt"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục