Phát triển ngành nghề nông thôn: Tìm giải pháp từ đột phá công nghệ

08:33' - 20/01/2018
BNEWS Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo, đang được nhiều bộ, ngành thực hiện.
Làng nghề tương Bần (Hưng Yên). Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Trong thời gian qua, các dự án đa dạng hóa sinh kế đã được triển khai thành công, giúp các ngành nghề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và nền công nghiệp 4.0, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục có những hỗ trợ sâu hơn về công nghệ, tài chính để các sản phẩm nông thôn, thủ công mỹ nghệ tiếp tục vươn xa hơn. 

Tăng thu nhập cho người sản xuất

Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển các làng nghề Thủ công truyền thống Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị đi tiên phong và đạt được nhiều thành công trong việc triển khai dự án hỗ trợ sản xuất cho vùng nông thôn, dân tộc.

Các nhóm sản xuất tiêu biểu được Viện này hỗ trợ có thể kể đến từ cam sạch như: rượu cam, mứt cam ở Nghệ An, nhóm sản xuất mật ong rừng Khe Rỗ (Bắc Giang), nhóm sản xuất chè Shan Tuyết cổ thụ từ các vùng núi phía Bắc, nhóm sản xuất các loại rau củ sấy từ Sapa (Lào Cai)... Những mô hình nổi bật này đã tạo việc làm và thu nhập ổn định ở mỗi địa phương.

Xưởng làm bánh của chị Lê Thị Thủy (thôn Hòa Bình, xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh). Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại buổi triển lãm giới thiệu mặt hàng mới đây tại Hà Nội, chị Nguyễn Xuân Trúc, xóm sản xuất giấy dó ở huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) cho hay, nhằm hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, xóm sản xuất đã được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, giúp đỡ, từ đó khôi phục làng nghề sản xuất truyền thống, vốn đang rất khó khăn.

Hiện nay, các sản phẩm giấy dó của Lương Sơn hoàn toàn sản xuất không dùng hóa chất, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Pháp, Mỹ… Ngay trong năm 2017, xóm sản xuất không đủ để bán ra, thu nhập người dân đạt từ 70.000-80.000 đồng/ngày công.

“Chúng tôi mong muốn, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía các chuyên gia, để tạo điều kiện thúc đẩy và quảng bá sản phẩm, kỹ thuật sản xuất sạch, bền vững tới các hộ sản xuất để người dân vùng núi có được cuộc sống ổn định hơn nữa…”, chị Trúc nói.

Ông Lương Bích Hoài chuyên sản xuất đặc sản cam Con Cuông (Nghệ An) cũng chia sẻ, trước đây, khi chưa có dự án hỗ trợ thì người trồng cam chỉ thu hoạch cam tươi, còn lại thì bỏ đi những quả hỏng, thường một vườn cam mất trắng khoảng 1 tấn. Điều này gây ô nhiễm môi trường và lãng phí, thu nhập người trồng cam không cao.

Tuy nhiên, từ khi có sự hỗ trợ của VIRI và Tổ chức Hợp tác Phát triển Nhật Bản (JICA) các tổ sản xuất cam đã hình thành và được hướng dẫn về công nghệ trồng, kỹ thuật sản xuất các sản phẩm từ cam. Từ đó, các sản phẩm cam Con Cuông đã được nhiều bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao như xà phòng cam, tinh dầu cam, rượu cam… Mỗi tháng, thu nhập người dân lên tới 7-8 triệu đồng/người.

Không chỉ được hỗ trợ về sản xuất, chế biến sản phẩm từ cam, mà hiện nay, thương hiệu sản phẩm cam Con Cuông đã được Dự án hỗ trợ đa dạng sinh kế đưa đi giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm, siêu thị, khách sạn ở các thành phố lớn ttrong cả nước. Đồng thời, Công ty TNHH Đổi mới Phát triển Ngành nghề Nông thôn Việt Nam (VIRICO) cũng đang bao tiêu các sản phẩm này…

Theo bà Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng VIRI, để thành công như hiện nay, Viện đã hỗ trợ người dân sử dụng các cơ hội, nguồn lực địa phương, kết hợp với kiến thức khoa học, đồng thời liên kết với các chuyên gia thiết kế sáng tạo trong và ngoài nước để tạo ra các sản phẩm có giá trị toàn cầu.

Nhân rộng niềm hy vọng

Có thể thấy, thành công mà dự án hỗ trợ đa dạng sinh kế đem lại đã giúp cho hàng trăm tổ sản xuất vùng nông thôn vươn lên thoát nghèo và sản xuất bền vững. Theo báo cáo từ viện VIRI, trong nhiều năm qua, Viện này đã có trên 100 công trình nghiên cứu, ấn phẩm và dự án ở 53 tỉnh thành trên cả nước; trong đó, trên 50 công trình đưa vào ứng dụng sản xuất đem lại việc làm và thu nhập hiệu quả cho trên 200 nhóm sản xuất ở vùng nông thôn. Đã có gần 50.000 người hưởng lợi; trong đó trên 80% là phụ nữ nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số.

Theo ông Trần Ban Hùng, Tổ chức Thương mại công bằng Quốc tế tại Việt Nam, VIRI đã hỗ trợ hàng chục hợp tác xã sản xuất chuỗi và xây dựng sản xuất thương mại công bằng, giúp nhiều đơn vị tăng gấp 2 – 3 lần doanh số bán hàng.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với VIRI, mở rộng đối tượng, giúp các hợp tác xã đạt chứng chỉ thương mại công bằng (một trong những chứng chỉ về chất lượng cao của thế giới) để phát triển sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững, đáp ứng nhu cầu của những thị trường khó tính thế giới và đảm bảo tính an toàn môi trường." ông Hùng bày tỏ.

Để đáp ứng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của các sản phẩm nông thôn 4.0, trong những năm tới, việc tiếp tục hỗ trợ về công nghệ sản xuất và đầu ra cho các sản phẩm là rất quan trọng.

Bà Nguyễn Bảo Thoa cho hay, VIRI sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nông sản bền vững tại các vùng miền của Việt Nam theo hướng chế biến sâu, tập trung vào chuẩn hóa chuỗi giá trị sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt chú trọng phát triển thị trường cho sản phẩm thay vì chỉ tập trung vào phần sản xuất bền vững như giai đoạn trước đây.

“Chúng tôi sẽ thành lập Quỹ phát triển sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ bền vững trong năm 2018 này để hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp, các sáng kiến phát triển bền vững từ cộng đồng, ưu tiên các sáng kiến từ các doanh nghiệp nữ ở vùng nông thôn và đồng bào dân tộc. Với quỹ này, chúng tôi có thể mở rộng đối tượng nhóm sản xuất, nhóm mặt hàng không chỉ trong khuôn khổ các đơn vị do VIRI triển khai dự án mà cả các nhóm khác”, bà Thoa nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục