Phát triển du lịch làng nghề: Chưa được đầu tư xứng tầm

15:06' - 10/11/2017
BNEWS Phát triển du lịch làng nghề phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển loại hình du lịch làng nghề.
Khách du lịch trải nghiệm ở làng nghề làm nón Gia Thanh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Ảnh: TTXVN

Ngày 10/11, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch làng nghề Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, làng nghề, ngành nghề truyền thống và các làng Việt cổ Việt Nam là nơi hội tụ bản sắc, nét độc đáo riêng, góp phần giới thiệu sinh động về đất nước và con người của mỗi vùng miền, địa phương.

Phát triển du lịch làng nghề phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển loại hình du lịch làng nghề.

Sau thành công của 3 Festival trà Thái Nguyên 2011, 2013, 2015 để tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng làng nghề, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương chỉnh trang chăm cóc vườn chè theo tiêu chuẩn Viêt Gap, UTZ, Biocert, chè hữu cơ, cải tạo nâng cấp các tuyến đường dẫn vào vùng chè.

Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn du lịch cộng đồng, tập hát các làn điệu hát dân ca, dân vũ… Những hoạt động trên được người dân làng nghề chè nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện.

Thành phố Thái Nguyên đã xây dựng “Kế hoạch xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương” tại 4 xã vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với hộ gia đình (Home stay), du lịch văn hóa, du lịch làng nghề.

Theo ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tỉnh Thái Nguyên cho biết, du lịch làng nghề ở Thái Nguyên có sự kết hợp với các tuyến du lịch sinh thái về nguồn với Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam và không gian văn hóa chè Tân Cương như: thăm làng nghề chè Tân Cương; Hồ Núi Cốc, không gian văn hóa chè La Bằng, thăm làng nghề chè La Bằng, di tích đền Đuổm, làng văn hóa du lịch Bản Quyên, thăm mô hình chè Tân Hương, Minh Thu, Tuyết Hương; khu ATK Định Hóa; hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà…

Nhờ đó, mỗi năm đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan tìm hiểu về chè và văn hóa chè Thái Nguyên.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, để phát triển xứng tầm loại hình làng nghề du lịch còn rất nhiều việc phải làm như: nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường, các chương trình sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Đồng thời phải tạo những điều kiện cơ sở dịch vụ phục vụ khách thuận lợi hấp dẫn để khách tham gia các hoạt động trải nghiệm làng nghề và có ấn tượng tốt đẹp.

Đa số các đại biểu đều cho rằng, du lịch làng nghề chưa thật sự được khai thác hiệu quả và phần lớn còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng tầm để trở thành các điểm đến hấp dẫn. Muốn đưa các hoạt động du lịch làng nghề vào các tour du lịch thì làng nghề phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí của du lịch.

Các địa phương sớm quy hoạch, ưu tiên phát triển chọn lọc một số nghề truyền thống phục vụ khách du lịch, trực tiếp có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xử lý môi trường sản xuất làng nghề để đảm bảo chất lượng hàng hóa và môi trường sinh thái.

Hiện nay cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề trong đó có gần 2.000 làng nghề đã được công nhận, trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 53 nhóm nghề./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục