Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài 2: Gỡ vướng trong cho vay

08:19' - 20/12/2017
BNEWS Bước đầu đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết dành nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng để cho vay các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp có hiệu quả.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều chính sách nhằm quy định và triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Trong quá trình triển khai, chương trình này đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Song theo các chuyên gia, cần có những tiêu chí cụ thể hơn để xác định dự án, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình thẩm định và xem xét cho vay theo chương trình.

Cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

*Thiếu tiêu chí xác định dự án

Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến nay, sau gần 6 tháng triển khai, dư nợ đầu tư của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã đạt 36.000 tỷ đồng với gần 6.400 khách hàng; trong đó, chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng từ 5,3-6,5%/năm, cho vay trung, dài hạn khoảng từ 8,5-10%/năm.

Báo cáo từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, trong quá trình triển khai, bước đầu đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết dành nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng để cho vay các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp có hiệu quả.

Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là ngân hàng tiên phong, chủ động dành nguồn vốn tối thiểu 50.000 tỷ đồng để cho vay. Đồng thời, có chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.

Các ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương, Ngân hàng TMCP Công Thương… cũng đã chủ động triển khai chương trình.

Tuy nhiên, việc cho vay đối với chương trình của các ngân hàng thương mại vẫn còn gặp một số khó khăn; trong đó phải kể đến khó khăn khi ngân hàng thương mại xác định khách hàng đáp ứng tiêu chí về dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định.

Theo ý kiến từ đại diện Agribank, việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm hoặc vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để xác định doanh nghiệp nào là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, cả nước mới có 28 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, theo Agribank, ngân hàng này luôn sẵn sàng về nguồn vốn, nhưng vấn đề chính là các dự án phải thực sự hiệu quả, khả thi để quyết định đầu tư.

Trong khi đó, hiện vẫn chưa có các bộ định mức kinh tế kỹ thuật về cây trồng vật nuôi, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở đề ngân hàng thẩm định cho vay.

Ngân hàng TMCP Bắc Á là ngân hàng cũng đã có nhiều đóng góp, cấp tín dụng cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án đã gặt hái thành công như chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp và chế biến sữa TH True Milk (Tập đoàn TH) tại Nghệ An; dự án bảo tồn và chiết suất dược liệu sạch đang có bán sản phẩm tại Mỹ và sắp tới đưa về bán trong nước; dự án trồng hoa và rau sạch trong nhà kính…

Song theo bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, việc đánh giá và xếp loại các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn dừng lại chủ yếu ở các tiêu chí mang tính định tính.

Vì vậy, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao và dự án nông nghiệp sạch trong quá trình thẩm định cho vay.

“Do đó cần phải có những tiêu chí cụ thể hơn, mang tính định lượng giúp ngân hàng và doanh nghiệp dễ tìm được tiếng nói chung trong quá trình xin vay và xét duyệt cho vay.”, bà Thái Hương kiến nghị.

*Cần những quy chuẩn, tiêu chí rõ ràng

Kinh nghiệm thực tiễn và hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tập đoàn TH cho thấy, các dự án của Tập đoàn này như dự án chăn nuôi bò sữa hay dự án rau sạch đều đã đạt được những thành công vang dội.

Đại diện Tập đoàn TH cho hay, ngoài câu chuyện về lựa chọn công nghệ, việc hỗ trợ về vay vốn cho các dự án công nghệ cao là rất cần thiết.

Song phải ban hành được quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ cao trong nông nghiệp đối với sản phẩm hàng hóa.

Khi đã có một mô hình công nghệ cao thành công, Bộ chủ quản phải ban hành quy chuẩn, định nghĩa thế nào là sản phẩm từ công nghệ cao.

Đơn cử như sản phẩm từ sữa, thì cần có sự phối hợp liên ngành với Bộ Công Thương, Bộ Y tế… để quy định và phân biệt thế nào là sạch, thế nào là sữa tươi, sữa hoàn nguyên…

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, để đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đẩy nhanh quá trình thẩm định và xem xét cho vay theo chương trình; giới thiệu những dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch có hiệu quả trên toàn quốc để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp cận, thẩm định và cho vay.

Theo TS. Nguyễn Anh Phong, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, Chính phủ cần có những đổi mới trong các chính sách ưu đãi tín dụng; trong đó, xem xét việc huy động các ngân hàng thương mại chủ động xây dựng và thẩm định bộ tiêu chí cụ thể xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho từng ngân hàng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các chương trình/dự án.

Nhà nước tập trung vào việc xây dựng định hướng ưu tiên cho các chương trình/dự án và phối hợp với ngân hàng thương mại phê duyệt dự án nếu có liên quan trực tiếp đến hỗ trợ từ ngân sách nhà nước…

Theo Phó Vụ trưởng Trần Văn Tần, việc đẩy mạnh triển khai cho vay khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Do vậy, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục cân đối nguồn vốn để cho vay khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh chủ động tiếp cận khách hàng để cho vay đối với các dự án trong lĩnh vực này theo quy định hiện hành.

Trong quá trình triển khai phát sinh vướng mắc, các ngân hàng thương mại có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được giải đáp, hướng dẫn cụ thể./.

Bài 3: Lấy thị trường làm “tâm điểm”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục