Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục có tín dụng ưu đãi cho hợp tác xã

12:44' - 29/08/2016
BNEWS Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục có chính sách tín dụng ưu đãi cho tổ hợp tác, hợp tác xã, đặc biệt hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa và bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Sáng 29/8, tại buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: cần xác định rõ vai trò, vị trí của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam không phải là tổ chức Hội và không phải đối tượng điều chỉnh của Luật Hội.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã cho biết, đến nay, cả nước có hơn 150 nghìn tổ hợp tác và hơn 20 nghìn hợp tác xã, chiếm khoảng 13 triệu hộ với hơn 30 triệu lao động.

Tính đến thời điểm ngày 1/7/2016 đã có hơn 9 nghìn hợp tác xã tiến hành chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, chiếm 64%.

Một số tỉnh cơ bản hoàn thành công tác tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trước ngày 01/7/2016 là Bắc Kạn, Bình Định, Gia Lai, Hòa Bình, Trà Vinh.

Tuy nhiên, đến nay việc triển khai, thực hiện Kết luận số 56- của Bộ Chính trị còn hạn chế, việc chỉ đạo chuyển đổi, tổ chức lại hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012 chậm.

Một số tỉnh đã xây dựng đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã nhưng còn vướng mắc trong thủ tục nên chưa thành lập hoặc chưa bố trí được kinh phí.

Các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã ban hành chậm, thiếu đồng bộ, chưa sát với thực tiễn.

Cũng theo ông Võ Kim Cự, lĩnh vực  có hợp tác xã hiện có 18 tỉnh giao Sở Kế hoạch- Đầu tư; 13 tỉnh giao Liên minh Hợp tác xã và 18 tỉnh chưa giao cho ai cả.

Một điều quan trọng có tính quyết định cao là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương hạn chế.

Phát triển kinh tế hợp tác Trung ương chỉ lo cơ chế chính sách, hỗ trợ nguồn lực, xây dựng mô hình và tổng kết mô hình.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện là địa phương và thôn xóm thì mảng này rất hạn chế bởi hầu như có địa phương cụm từ “hợp tác xã” trong báo cáo không phải lãng quên mà chưa nhớ đến”.

Nhấn mạnh về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nêu rõ: Củng cố hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh trong việc phát triển kinh tế hợp tác, mở rộng hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã trong một số lĩnh vực và dịch vụ.

Do đó, cần xác định rõ vai trò, vị trí của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam không phải là tổ chức Hội và không phải đối tượng điều chỉnh của Luật Hội.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, Quốc hội có Luật, Chính phủ có Nghị định, Chỉ thị và nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống, vẫn còn 36% Hợp tác xã chưa chuyển đổi được là vướng mắc tài chính, công nợ tồn đọng.

Đưa ra ví dụ cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ: Quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ tín dụng hợp tác xã còn 18 địa phương chưa có quỹ.

Đây là trách nhiệm chính quyền địa phương nhất là về thể chế chính sách, tiếp cận đất đai.

Ngoài ra, các hợp tác xã hiện nay chỉ còn 10% lo đầu ra còn chủ yếu làm dịch vụ đầu vào.

Riêng vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét lại do thiếu nguồn lực hay lỗi ở khâu tổ chức thực hiện và chính sách không khả thi.

Bởi, nếu như quy định không đi sâu vào cuộc sống, thì các tổ chức tín dụng không thể tiếp cận được nguồn vốn.

Xuất phát từ nguyên do này, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục có chính sách tín dụng ưu đãi cho tổ hợp tác, hợp tác xã, đặc biệt hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa và bền vững.

Hơn nữa, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cần bố trí vốn nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục