Quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn

15:59' - 27/05/2017
BNEWS Mặc dù không tham gia vào TPP nhưng Hoa Kỳ vẫn chứng tỏ là thị trường xuất khẩu chủ lực và thặng dư thương mại cao nhất đối với Việt Nam.

Với vị trí quán quân về đối tác thương mại và luôn giữ vững trong 10 năm qua đã khẳng định rõ nét hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Không dừng lại ở đó, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 29 đến ngày 31/5 tới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc càng thể hiện Việt Nam nhất quán coi trọng và thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại song phương với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 29-31/5 tới. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Đối tác hàng đầu

Theo Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ở mức cao.

Nếu như năm 1994 (năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam), kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa hai nước chỉ ở mức 220 triệu USD thì đến năm 2001(năm trước khi BTA có hiệu lực) kim ngạch đã tăng lên 1,4 tỷ USD và đạt trên 47 tỷ USD vào cuối năm 2016.

Riêng 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 12,4 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn tập trung vào những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, máy vi tính, thủy sản, nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%. Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn.

Chính nhờ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ cao gấp 5,5 lần so với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước từ thị trường này nên mức xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã lên tới trên 38 tỷ USD.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ cho rằng, Việt Nam đã trở thành cái tên quan trọng trong bản đồ thương mại quốc tế của Hoa Kỳ. Cùng với đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành đối tượng của các biện pháp tự vệ như: Chống bán phá giá và chống trợ cấp.

"Mặc dù phải chịu nhiều khó khăn và bất lợi qua các vụ kiện trên nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đang dần trưởng thành, tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm, từ đó tạo lập bản lĩnh vững vàng hơn trong cuộc chơi thâm nhập thị trường hứa hẹn và đầy thách thức này", Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ bày tỏ.

Bà Mary Tarnowka – Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP nhưng hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn luôn tồn tại. Đặc biệt, mối quan hệ này sẽ càng trở nên khăng khít hơn bởi những thay đổi tích cực gần đây của Việt Nam trong vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tái khẳng định mục tiêu của Việt Nam tiếp tục cải cách và mở cửa hơn nữa nền kinh tế của mình.

"Những cải cách này sẽ thúc đẩy mạnh hơn việc thiết lập một hệ thống quản lý công bằng, minh bạch. Điều này cho thấy có thể dự đoán một làn sóng thu hút thương mại và đầu tư mới trong thời gian tới", Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ.

Theo giới phân tích, tuy Việt Nam chưa phải là thị trường xuất khẩu lớn của Hoa Kỳ nhưng mức thu nhập người Việt đang gia tăng sẽ kích cầu tiêu dùng hàng hóa cao cấp nói chung và hàng nhập khẩu Hoa Kỳ nói riêng ở Việt Nam.

Đặc biệt, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thực hiện một loạt kế hoạch ở châu Á, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được xem là đòn bẩy hỗ trợ lợi ích thương mại và kinh tế chung của hai nước.

Không chỉ vậy, cuộc gặp tới đây giữa hai nguyên thủ quốc gia sẽ là cơ hội tốt nhằm thúc đẩy những lợi ích chiến lược chung và tạo thêm nhiều việc làm cho hai quốc gia, nhất là khi Hoa Kỳ đẩy mạnh hoạt động đầu tư và xuất khẩu vào Việt Nam.

Ngã rẽ quan trọng

Với những chính sách mở cửa và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài mà hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm và có ý định đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Bởi vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hoa Kỳ đang tích cực bàn thảo, hoàn thiện cơ chế hợp tác thương mại theo hướng hiệu quả, thuận tiện hơn và đôi bên cùng có lợi.

Với mô hình khu du lịch phức hợp năm sao lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, dự án The Grand Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa - Vũng Tàu là một ví dụ đầu tư điển hình của Hoa Kỳ.

Tại Hội nghị bàn về tương lai mối quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước với chủ đề “Viễn cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 và những năm tiếp theo” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19/5 vừa qua, ông Michael Kelly, Chủ tịch điều hành cấp cao kiêm Tổng Giám đốc điều hành ACDL và dự án The Grand Hồ Tràm Strip phát biểu: "Việc Hồ Tràm được cấp phép vào giai đoạn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức thăm Hoa Kỳ sẽ loại bỏ những nghi ngại từ phía Washington về các hoạt động đầu tư thương mại tại Việt Nam".

"Điều này đồng thời khẳng định mạnh mẽ Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng hấp dẫn, với nhiều cơ hội kinh doanh lớn dành cho các nhà đầu tư trên toàn cầu", Chủ tịch Michel Kelly nhấn mạnh.

Bà Tami Overby, Phó Chủ tịch cao cấp của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng: Hiệp hội đang nỗ lực để tìm ra những phương pháp cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại giữa hai nước gồm cả triển vọng về một Hiệp định thương mại tự do song phương.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng cần đổi mới và sáng tạo hơn để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kĩ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN.

Bởi theo Bộ trưởng, nếu muốn phát triển bền vững phải có những mặt hàng đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác và nước nhập khẩu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường.

Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp phải chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này và góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục