Quốc hội Mỹ có thể bác bỏ thỏa thuận nới lỏng trừng phạt hãng ZTE của Trung Quốc

11:21' - 14/06/2018
BNEWS Ngày 13/6, các nghị sĩ và cố vấn Mỹ cho biết thỏa thuận nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc có thể sẽ bị Quốc hội Mỹ bác bỏ.

Thượng viện Mỹ dự kiến trong vài ngày tới sẽ tiến hành bỏ phiếu về vấn đề trừng phạt ZTE như một phần của Đạo luật Cấp phép quốc phòng (NDAA) được Quốc hội thông qua hằng năm.

Trụ sở ZTE ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu các biện pháp trừng phạt ZTE được thông qua, các nghị sĩ Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ phải thảo luận về một dự thảo NDAA cuối cùng.

Điều khoản về vấn đề trừng phạt hãng viễn thông của Trung Quốc, vốn không được đề cập trong phiên bản dự luật quốc phòng của Nhà Trắng, có thể sẽ không được đưa ra bàn thảo trong các cuộc thảo luận tại Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa Mac Thornberry, cho biết ông sẽ phản đối bất kỳ điều khoản nào trong NDAA không phù hợp quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ nếu các điều khoản này đe dọa trì hoãn việc thông qua ngay lập tức dự luật quốc phòng trị giá 716 tỷ USD này. Ông Thornberry cho biết tiến trình hoàn tất NDAA có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 tới.

Trong trường hợp lưỡng viện Quốc hội Mỹ "bật đèn xanh" cho các biện pháp trừng phạt nhằm vào ZTE, lệnh cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc, vốn được Tổng thống Donald Trump ban hành hồi tháng 4 vừa qua, sẽ được khôi phục.

Trước đó, ngày 7/6 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Washington, theo đó giúp Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc tránh được nguy cơ phá sản.

Theo thỏa thuận, ZTE sẽ phải nộp khoản phạt 1 tỷ USD và trong vòng 30 ngày phải thay ban giám đốc điều hành hiện tại.

Ngoài ra, hãng sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc còn phải nộp một khoản "tiền đặt cọc" 400 triệu USD trong trường hợp tái phạm trong tương lai.ận nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc có thể sẽ bị Quốc hội Mỹ bác bỏ.

Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 4 cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng này trong 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Trước đó, thông tin về việc chính quyền Tổng thống Trump quyết định "cứu" ZTE đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh mạng của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lập luận quyết định này nhằm tránh làm mất việc làm của nhiều công dân Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục