Quy hoạch vùng cà phê Tây Nguyên thích nghi với biến đổi khí hậu

15:57' - 12/05/2017
BNEWS Bộ NN&PTNT hướng dẫn các địa phương Tây Nguyên tiếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo ra các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch vùng cà phê Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 4 tỉnh Tây Nguyên là vùng trọng điểm sản xuất cà phê của cả nước, với quy hoạch từ nay đến năm 2020 giảm xuống chỉ còn 530.000 ha để thích nghi với biến đổi khí hậu, tương đương với giảm 53.000 ha so với hiện nay, nhằm góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê nước ta.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ giảm xuống chỉ còn 190.000 ha, tỉnh Lâm Đồng 150.000 ha, tỉnh Đắk Nông 115.000 ha và tỉnh Gia Lai còn 75.000 ha. Dựa trên cơ sở quy hoạch này, các tỉnh vùng Tây Nguyên tiến hành rà soát, đánh giá điều kiện sinh thái thích nghi với cây cà phê, giảm diện tích ít thích nghi và không thích hợp để tiếp tục duy trì phát triển bền vững ngành hàng cà phê.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương vùng Tây Nguyên, đơn vị chức năng tiếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo ra các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước mắt, các địa phương vùng Tây Nguyên đưa vào trồng tái canh đại trà bằng các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13.
Đây là những giống cà phê mới đạt năng suất cao từ 4,2 tấn đến 7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu này trên thị trường thế giới; trong đó, có 4 dòng cà phê vối chín muộn, gồm TR9, TR11, TR12, TR13 nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô.
Điều này không những thuận lợi trong việc thu hoạch, bảo đảm chất lượng cà phê không bị hư hỏng do mưa trong quá trình phơi sấy, mà còn giảm được lượng nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô. Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng như các đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh, tái canh cây cà phê phù hợp với từng điều kiện cụ thể, xây dựng các mô hình, tập huấn chuyển giao cho người sản xuất…
Với các biện pháp tích cực trên nên mặc dù diện tích giảm nhưng mỗi niên vụ ở các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng phấn đấu đạt từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên.
Ngay tại Đắk Lắk, địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất nước đã tiến hành quy hoạch chi tiết, chỉ phát triển cà phê ở những vùng sinh thái thuận lợi. Những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả, nhất là diện tích cà phê ở những vùng không đủ nước tưới, có độ dốc trên 15 độ không nằm trong vùng quy hoạch tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp trong vùng quy hoạch tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch trồng tái canh bằng các giống mới….Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã trồng tái canh được gần 20.000 ha, chủ yếu trồng bằng các giống cà phê mới.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã có gần 41.000 người tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, chủ yếu là 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), UTZ Certifed, RFA (Rừng nhiệt đới) và Fairtrade (thương mại công bằng) với diện tích 61.458 ha, sản lượng mỗi niên vụ đạt 271.153 tấn cà phê nhân/ 450.000 tấn cà phê nhân chung trong toàn tỉnh.
Các loại hình chứng nhận này đều hướng đến phát triển cà phê bền vững và cải thiện về kinh tế thông qua việc đầu tư, tác động phù hợp trên vườn cây nhằm bảo đảm sự bền vững về năng suất, chất lượng và môi trường, bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên cũng như các hoạt động có ảnh hưởng tốt về mặt xã hội như giáo dục, an toàn lao động…
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 583.149 ha, sản lượng đạt trên 1,370 triệu tấn cà phê nhân, trong đó, tỉnh Đắk Lắk có diện tích cà phê nhiều nhất với gần 204.000 ha, kế đến tỉnh Lâm Đồng có 161.000 ha…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục