Sau 15 năm, ngành cơ khí vẫn "chập chững" bước đi đầu

10:26' - 03/12/2015
BNEWS Hơn 15 năm xây dựng và phát triển nhưng ngành cơ khí – chế tạo vẫn đang chập chững bước đi đầu tiên. Việt Nam mới chỉ dừng ở mức làm gia công, chưa đủ khả năng tự chế tạo sản phẩm có sức cạnh tranh.
Sau 15 năm, ngành cơ khí vẫn "chập chững" bước đi đầu. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, so với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam đang có nhiều lợi thế lớn để phát triển ngành cơ khí chế tạo, hướng tới trở thành một trung tâm chế tạo mới như sở hữu nguồn nguyên nhiên liệu dồi dào.

Hiện Việt Nam  có nhiều dự án thép đã và đang được triển khai đầu tư như luyện thép Fomusa 7,5 triệu tấn/năm, thép Nghi Sơn 7 triệu tấn/năm...

Hơn thế nữa, so với các nước ASEAN, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, an ninh chính trị ổn định và tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp trong cơ cấu xuất khẩu tương đối lớn.

Đánh giá về những cơ hội của Việt Nam, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang có ưu thế để phát triển ngành cơ khí, chế tạo và xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn.

Với việc gia nhập TPP, EU thì các nước đối thủ của Việt Nam không gia nhập như Thái Lan, Indonesia, Philippines… sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với tư cách là điểm đến đầu tư. Việt Nam sẽ trở thành cửa ngõ để các sản phẩm vào thị trường liên khu vực xung quanh.

Theo Jetro, hơn 66% doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn đầu tư vào Việt Nam và có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Jetro đã liên tục cử các đoàn khảo sát đầu tư sang Việt Nam.

“Chúng tôi cũng đang nỗ lực thực hiện dự án lựa chọn hơn 1.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản để hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến đầu tư vào các nước đang phát triển; trong đó có Việt Nam.

Số lượng các dự án được kỳ vọng sẽ không ngừng gia tang trong thời gian tới, không chỉ trong ngành sản xuất mà cả ngành phi sản xuất”, ông Atsusuke Kawada cho biết.

Thực tế, trong nhiều năm qua, các công ty đa quốc gia đã bắt đầu xu thế đầu tư, chuyển cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc, Thái Lan… sang Việt Nam.

Đơn cử như Công ty điện tử Samsung với 5,7 tỷ USD vốn đầu tư, hãng điện tử LG Electronics với hơn 1,5 tỷ USD, Foxconn, Canon, Microsoft cũng tiến hành kế hoạch đầu tư tại Việt Nam với hàng tỷ USD… Điều này sẽ phần nào giúp ngành cơ khí, chế tạo Việt Nam có thể tiếp cận và nâng cao công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, theo GS.TS Võ Thanh Thu, lợi thế và cơ hội là có, song điểm quan trọng là Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế đó như thế nào để phát triển ngành cơ khí, ngành công nghiệp chế tạo.

Bởi lẽ, về cơ bản, Việt Nam vẫn chưa có được chính sách đột phá, mang tính cách mạng để phát triển ngành cơ khí – chế tạo. Trình độ và năng suất lao động còn thấp; tỷ lệ nội địa hóa vẫn chỉ ở mức hơn 30%, thấp hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc 64%, Thái Lan 53%, Malaysia 42%...

Ngành cơ khí chưa sản xuất được những sản phẩm có tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN

trưởng Cao Quốc Hưng thừa nhận, ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo Việt Nam còn nhiều hạn chế như chất lượng nhân công kỹ thuật và năng suất lao động trong nước chưa cao, nguồn nhân lực dồi dào song thiếu hụt thợ có tay nghề.

Việt Nam vẫn dựa vào sản phẩm thô, sơ chế và gia công, lắp ráp, thua xa so với mức trung bình thế giới và khu vực ASEAN. Các ngành công nghiệp linh kiện, phụ tùng và vật liệu chưa có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo số liệu báo cáo của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), năm 2014, bình quân giá trị gia tăng hàng công nghiệp/người của Việt Nam là 245 USD, trong khi mức bình quân của 10 nước ASEAN là 1.958 USD và bình quân 6 nước ASEAN là 2.708 USD.

Như vậy, trong khu vực ASEAN, chúng ta chỉ đạt được 13% trung bình của các nước ASEAN và hơn 9% so với các nước ASEAN6. Điều này cho thấy, mặc dù ngành cơ khí, chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao trong các sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động, song giá trị đem lại rất thấp.

Với mục tiêu ngành cơ khí luyện kim đến 2020 đáp ứng 45-50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2030 đáp ứng đến 60%, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chỉ ra rằng, Việt Nam cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: máy động lực, cơ khí phục vụ nông, lâm ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, cơ khí đóng tàu, thiết bị điện – điện tử và cơ khí ô tô.

Đồng thời, tận dụng lợi thế so sánh so với các nước ASEAN để ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực cơ khí chế tạo có quy mô lớn vào Việt Nam theo các ngành nghề đã định hướng./.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục