Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

14:02' - 15/12/2017
BNEWS Tác động lan toả của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt mới chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp.

Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 15/12, tại Hà Nội, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước” nhằm đưa ra những đánh giá về tác động, các khó khăn và thuận lợi của doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI cũng như các giải pháp để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có mức vốn giải ngân cao nhất và vốn đăng ký cũng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đóng góp của FDI ngày càng tăng vào GDP.
“ Chính trị ổn định và cải cách là những điểm thu hút đầu tư quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, công nghệ cao, giá trị lan toả, nghiêm cấm các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường”, Cục trưởng nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho biết, khu vực FDI có tác động lan toả rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam, từ tác động tổng thể, gián tiếp tới trực tiếp, tạo ra công nghệ, năng suất lao động, việc làm, xuất khẩu, thu ngân sách, GDP. Cụ thể, vốn FDI thực hiện đạt hơn 160 tỷ USD; doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 18% thu ngân sách và 20% GDP; tạo việc làm cho 3,7 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp; đồng thời, du nhập phương thức sản xuất, phân phối, kinh doanh tiên tiến.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Mại tác động lan toả của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong việc chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử, xuất khẩu dệt may 2016 đạt 30 tỷ USD, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới. Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động smartphone, máy tính bảng…. Tuy nhiên, trong mỗi một chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp, trong chuỗi sản xuất này doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 21%, trong khi doanh nghiệp Thái Lan là 30%; doanh nghiệp Malaysia là 46%.
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương cũng cho biết, số lượng doanh nghiệp nội địa cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp.
Theo ông Linh, khó khăn khi thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI một phần do số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp FDI, nhà cung cấp chuỗi vệ tinh còn rất ít ỏi. Công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu cao của khách hàng. Thiếu các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, thúc đẩy liên kết từ Chính phủ và các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp. Mối liên kết, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vệ tinh còn hạn chế.
Để tác động lan toả của khu vực FDI đối với doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tin, chủ động tiếp cận doanh nghiệp FDI, đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI cũng phải có chiến lược kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm. Đặc biệt, phía Chính phủ cần có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích ứng; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực. Khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công của các doanh nghiệp FDI như Samsung…
Ông Linh cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy liên kết trong thu hút đầu tư, gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, ưu đãi khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt thu hút đầu tư các công ty vệ tinh cấp 1 của các tập đoàn lớn, FDI các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam để tạo các lớp cung ứng; phát triển vườn ươm; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn, tài chính…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục