Tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

17:21' - 11/01/2018
BNEWS Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Nhằm hướng dẫn chi tiết những điều khoản quy định tại Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Dự thảo Nghị định rà soát, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép, giảm hồ sơ so với quy định hiện hành.

Theo đó, giảm số ngày kiểm tra hồ sơ đối với tất cả thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo từ 5 ngày xuống 3 ngày làm việc. Ngoài ra, giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa xuất khẩu từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.

Đặc biệt, bỏ quy định phải có văn bản chấp thuận của bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan khi cấp giấy phép tạm nhập tái xuất theo hình thức khác.

Bỏ quy định cấp phép tạm nhập tái xuất đối với nhiều trường hợp như: tạm nhập tái xuất để đo kiểm trước khi xin giấy phép nhập khẩu; tạm nhập tái xuất để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại...

Khi thực thi hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương, một số mặt hàng căn cứ vào đặc tính và mục đích sử dụng có thể được phân loại vào diện quản lý của hai hay nhiều bộ khác nhau.

Do vậy, để tránh trùng lặp, tạo thuận lợi cho hoạt động của thương nhân, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định trường hợp có giao thoa về danh mục hàng hóa của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Công Thương chủ trì xem xét, quyết định cho phép thương nhân, tổ chức nhập khẩu và sao gửi các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan để phối hợp.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, việc tạm nhập trang thiết bị y tế, dụng cụ biểu diễn... do các đoàn bác sỹ, vận động viên, nghệ sỹ... mang vào Việt Nam để phục vụ mục đích biểu diễn, khám chữa bệnh vì mục đích nhân đạo thường là thiết bị đã qua sử dụng và trong nhiều trường hợp thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.

Nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hoạt động trên, Dự thảo Nghị định quy định thương nhân, tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập tái xuất, kể cả đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu trong các trường hợp này.

Tuy nhiên, khi làm thủ tục hải quan, phải nộp bổ sung văn bản cam kết của đơn vị tổ chức hoặc đơn vị tiếp nhận sự kiện này về việc sử dụng đúng mục đích và tái xuất hàng hóa đó sau khi sử dụng.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Luật Quản lý ngoại thương quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Với một số hoạt động là nhu cầu thực tế và tương đối thường xuyên của doanh nghiệp, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhằm giảm bớt thủ tục, sự vụ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các hoạt động này bao gồm nhập khẩu hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, làm mẫu phục vụ hoạt động nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm và kiểm thử, gia công hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài (không tiêu thụ tại Việt Nam)./.

Xem thêm:

>>>Chính thức thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu qua cơ chế một cửa quốc gia

>>>Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ, xem xét khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục