Tạo sức bật khu vực kinh tế tập thể từ nhiều nguồn lực

15:36' - 14/10/2017
BNEWS Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp và nguồn lực để vực dậy khu vực kinh tế tập thể.
Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp và nguồn lực để vực dậy khu vực kinh tế tập thể. Ảnh minh họa: TTXVN

Tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm thành lập mới từ 15 – 20 hợp tác xã; đến năm 2020, mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng tối thiểu 1 hợp tác xã kiểu mới và nông dân tham gia hợp tác xã đảm bảo giá trị sản xuất đạt 110 triệu đồng/ha; 100% hợp tác xã hoạt động đúng bản chất, nguyên tắc và quy định của pháp luật theo mô hình kiểu mới.

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh Trần Trí Dũng chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tập trung củng cố, nâng chất các hợp tác xã đang hoạt động; đồng thời nghiên cứu và đề xuất các chính sách để tạo bước đột phá cho kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp.

Các đơn vị xây dựng các chính sách hỗ trợ hợp tác xã về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, thẩm định các dự án sản xuất, kinh doanh…

Liên minh Hợp tác xã tỉnh khẩn trương rà soát nhu cầu nhân lực của hợp tác xã để xây dựng kế hoạch thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc tổ chức các lớp đào tào nguồn nhân lực cho hợp tác xã.

Đối với chương trình đưa 2 viên chức nông nghiệp và tốt nghiệp đại học về công tác ở xã thời gian qua, UBND tỉnh đánh giá kết quả, trường hợp viên chức có năng lực thì tuyển dụng vào hợp tác xã để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND về phát triển kinh tế tập thể; tăng cường các hoạt động hướng dẫn các hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn.

Từ nay đến năm 2020, mỗi xã phải có ít nhất 1 hợp tác xã kiểu mới. Riêng đối với các hợp tác xã nông nghiệp khi thành lập phải đảm bảo có từ 50 thành viên trở lên.

Khi lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm, UBND các địa phương cần nghiên cứu đưa vào kế hoạch sử dụng quỹ đất công hoặc đất chưa sử dụng, tạo quỹ đất sạch cho hợp tác xã thuê để sử dụng làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; đồng thời xây dựng cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đối với hợp tác xã nông nghiệp.

Hiện tại, UBND tỉnh Trà Vinh đã dành gần 66 tỷ đồng để thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, tỉnh tập trung nhiều giải pháp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với kinh tế tập thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, nhằm thống nhất về nhận thức, xem đây là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường.

Tỉnh rà soát để bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức hoạt động đảm bảo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012 cho những hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả; phân loại, củng cố các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả.

Riêng những hợp tác xã yếu kém, tỉnh tuyên truyền, vận động tổ chức lại hoạt động theo hướng sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể theo quy định.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện các chính sách để tháo gỡ các vướng mắc cho hợp tác xã hiện nay như chính sách thu hút nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chính sách hỗ trợ hợp tác xã về đất đai, tài chính, tín dụng, đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã, tỉnh hỗ trợ trong thời gian 3 năm để thuê tối đa 3 lao động có trình độ cao đẳng trở lên (tài chính, kế toán và kỹ thuật) về làm việc tại hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp; các hợp tác xã không thuộc lĩnh vực trên được hỗ trợ thuê 1 kế toán tối thiểu có trình độ cao đẳng.

Các hợp tác xã còn được hỗ trợ kinh phí và thủ tục trong hoạt động sáp nhập, hợp nhất, thành lập mới.

Ông Lê Hoàng Y, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay, hợp tác xã được hỗ trợ 100% kinh phí khi thành lập mới, đăng ký thay đổi theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, với mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/hợp tác xã; 50% kinh phí cho các hợp tác xã chuyển đổi, chia tách, hợp nhất hoặc sáp nhập theo Luật Hợp tác xã năm 2012, với mức hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/hợp tác xã.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã còn được hỗ trợ chi phí bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý và thành viên hợp tác xã; nghiên cứu thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học làm việc ở hợp tác xã có thời hạn để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; hỗ trợ chi phí tổ chức, quản lý lớp học, đi lại, mua tài liệu, tham quan, ăn ở…

Ngoài ra, hợp tác xã trong tỉnh còn có thể vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để thay đổi máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất để tăng năng suất chất lượng sản phẩm.

Từ khi đưa vào vận hành vào cuối năm 2016 đến nay, quỹ đã giải ngân cho 14 hợp tác xã trong tỉnh được vay vốn với gần 4,8 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, với mức vay tối đa 300 triệu đồng/hợp tác xã.

Riêng các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở các xã nông thôn mới và các hợp tác xã thí điểm thuộc Đề án Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với mức hỗ trợ tối đa lên đến 600 triệu đồng/hợp tác xã. Các hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp còn được hỗ trợ giống khi gặp khó khăn do thiên tai dịch bệnh…

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin rằng hợp tác xã ở Trà Vinh sẽ sớm “chuyển mình”, nhất là các hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp; để hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới thực sự là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, mang lại thu nhập bền vững cho nông dân./.

Xem thêm:

>>>Sức cộng hưởng từ các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân

>>>Xóa "rào cản" để phát triển Hợp tác xã kiểu mới: Bài 1: Những khó khăn tồn tại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục