Sức cộng hưởng từ các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân

13:11' - 14/10/2017
BNEWS Sự phát triển của lực lượng kinh tế tư nhân trong thời gian qua là minh chứng rõ nhất cho thấy sự đúng đắn trong việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân.
Niềm tin của doanh nghiệp ngày càng cao đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh họa TTXVN

Sự phát triển của lực lượng kinh tế tư nhân trên địa bàn các tỉnh phía Nam, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… trong thời gian qua là minh chứng rõ nhất cho thấy sự đúng đắn trong việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng lên cho thấy niềm tin của doanh nghiệp ngày càng cao đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước.

*Bệ phóng chính sách

Xác định kinh tế tư nhân là một thành tố kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế các tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, các địa phương như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… luôn coi trọng việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

Tùy vào từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển nhất định mà đưa ra những định hướng, chính sách và giải pháp làm “bệ phóng” hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân cho phù hợp. 

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân, Tp. Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi về thể chế chính sách và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, Thành viên Nhóm tư vấn đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh, nếu như 3 năm trước, Tp. Hồ Chí Minh còn thiếu nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì hiện nay, nhiều chính sách được ban hành và thay đổi từ hỗ trợ nhân lực, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ công tác thuế, kế toán, mặt bằng, công nghệ, thị trường và những vấn đề thông tin pháp lý… gần như đầy đủ.

Thành phố đã có nhiều chủ trương đi đầu cả nước trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các chính sách thuế, hải quan, mặt bằng sản xuất… đảm bảo tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, nếu năm 2014 Tp.Hồ Chí Minh phát triển 25.000 doanh nghiệp, năm 2015 tăng lên 31.000 doanh nghiệp, thì đến năm 2016 là 36.300 doanh nghiệp và dự kiến năm 2017 sẽ có 43.500 doanh nghiệp thành lập mới.

Tính đến nay, trên địa bàn hiện có hơn 309.000 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ là hơn 3,5 triệu tỷ đồng, trong đó có vai trò và vị trí không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân.

Các chuyên gia cho rằng, con số doanh nghiệp đến năm 2020 dự kiến tăng gần gấp đôi so với hiện tại là hoàn toàn có cơ sở.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thành phố đã tổ chức triển khai thành công nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển như: cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh, chương trình kích cầu đầu tư, chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đi trước cả nước như đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Điển hình, từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố đã đào tạo cho hơn 2.800 nhân sự của hơn 850 tổ chức và hơn 1.100 doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo, năng suất - chất lượng, quản lý năng lượng, quản trị tài sản trí tuệ; hỗ trợ tư vấn về năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ, sử dụng Quỹ khoa học công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đổi mới sáng tạo… cho hơn 780 nhân sự của gần 180 tổ chức và hơn 600 doanh nghiệp.

*Nhiều doanh nghiệp đăng ký mới

Bình Dương, Đồng Nai cũng là hai địa phương có nhiều chế độ, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là khâu cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tình hình phát triển doanh nghiệp ở địa phương đạt kết quả tích cực, số lượng doanh nghiệp mới đi vào hoạt động tăng khá.

Trong 9 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã có 3.889 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 34.802 tỷ đồng, tăng 43,7% về số doanh nghiệp và tăng 69,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có hơn 29.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn khoảng trên 200.000 tỷ đồng.

Hàng năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã giải quyết việc làm mới cho 15.000-20.000 lao động. Mục tiêu của tỉnh Bình Dương trong 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, địa phương sẽ có thêm 23.000 doanh nghiệp đăng ký mới.

Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bình Dương rất quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo lập và gây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sự hỗ trợ nói trên đã thúc đẩy sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp này trên địa bàn, đóng góp vào sự vững mạnh của nền kinh tế địa phương.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương, hệ sinh thái được xem là môi trường thuận lợi để khởi nghiệp phát triển, do đó, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là vấn đề được quan tâm đặc biệt.

Cùng với đó, Bình Dương luôn quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. trong đó, hạ tầng về điện, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hạ tầng viễn thông, hạ tầng xã hội, các thiết chế y tế, giạo dục, văn hóa… ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh và đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, trong 15 năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết số 14-NQ/TW (khoá IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, thành phần kinh tế tư nhân ở Đồng Nai đã có bước phát triển rõ rệt.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký.

Giai đoạn 2002 - 2006 có 3.315 doanh nghiệp thành lập (bình quân có 663 doanh nghiệp thành lập/năm), giai đoạn 2007- 2011 có 9.375 doanh nghiệp thành lập (bình quân có 1.875 doanh nghiệp thành lập/năm), giai đoạn 2011-2016 có 11.243 doanh nghiệp thành lập (bình quân có 2.248 doanh nghiệp thành lập/năm).

Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 29.000 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh tăng nhanh theo từng năm, mỗi năm trung bình có trên 2.000 doanh nghiệp được thành lập.

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh như một minh chứng cho môi trường đầu tư của các địa phương có nhiều thay đổi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tin tưởng vào đường lối, cơ chế chính sách và pháp luật mới của Đảng và Nhà nước./.

Bài 2: Tạo động lực phát triển

Xem thêm:

>>>Chaebol: Những góc khuất đằng sau chiếc “kim bài miễn tử”

>>>Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục