Tham gia các FTA, sản phẩm công nghiệp không dễ dàng cạnh tranh

12:47' - 05/11/2015
BNEWS Tham gia các FTA, sản phẩm công nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội cũng như các sản phẩm nhập khẩu giả rẻ tràn vào thị trường Việt Nam.

Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Trần Thanh Hải phát biểu tại hội thảo Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Khẳng định tại Hội thảo “Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp” do Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức tại Hà Nội sáng 5/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trấn Tuấn Anh nhấn mạnh, công nghiệp luôn khẳng định là ngành đầu tàu trong nền kinh tế trong nước với kim ngạch tăng trưởng đều đặn và giữ vị trí dẫn đầu trong tất cả các nhóm hàng xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, tính đến đầu tháng 10 nhóm hàng công nghiệp chế biến đã chiếm đến 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Một số ngành như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy vi tính và linh kiện điện tử, phương tiện vận tải... có sự tăng trưởng đều và khá cao.

Sở dĩ có được những thành quả này là nhờ vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở rộng thị trường.

Hơn nữa, Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế, do đó có cơ hội mở rộng danh mục các mặt hàng có thể sản xuất và xuất khẩu. Mặt khác, vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, chủ yếu là vào lĩnh vực công nghiệp, cũng được xem như một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Hải, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Đặc biệt hơn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ cũng là yếu tố thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp nói chung và hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nói riêng.

Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra những khó khăn mà sản phẩm công nghiệp cũng đang phải đối diện với một số yếu tố gây trở ngại cho xuất khẩu bền vững. Cụ thể, quá trình toàn cầu hóa, tham gia FTA làm gia tăng cạnh tranh với doanh nghiệp sản xuất nước ngoài.

Với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm khắt khe hơn, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội cũng như các sản phẩm nhập khẩu giả rẻ tràn vào thị trường Việt Nam do được hưởng lợi từ lộ trình cắt giảm thuế quan.

Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển khiến Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành công nghiệp lớn, giữ vai trò chủ đạo như dệt may, da giày, điện thoại di động, sản phẩm điện tử… có tỷ lệ gia công cao, chưa đem lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.

Không những thế, việc chưa tự chủ về nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu còn gây ra khó khăn khi xét các tiêu chí xuất xứ phải đáp ứng để được hưởng lợi từ các FTA.

Chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, ông Bùi Việt Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty may Sông Hồng cho hay, trong khi dư luận Việt Nam kỳ vọng quá nhiều vào triển vọng mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mang lại thì doanh nghiệp trong nước lại đang loay hoay với việc tiếp cận và tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Lý do là bởi họ không được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản về thị trường, khách hàng, khả năng ngoại ngữ và nhất là nguyên tắc ứng xử trong kinh doanh quốc tế.

Dây chuyền thêu tự động trên sản phẩm may mặc của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Thách thức lớn nhất vẫn là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên lĩnh vực chất lượng, giá thành và sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm, khả năng thích ứng với những biến động nhanh chóng của khách hàng và thị trường. Đó chính là điểm yếu khá lớn của doanh nghiệp hiện nay.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen kiến nghị cơ quan Nhà nước và tổ chức, Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn để doanh nghiệp vững vàng phát triển trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.

Cùng với đó, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong việc đào tạo chuyên sâu về phòng vệ thương mại, pháp luật cạnh tranh của các nước, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, các Đại sứ quán và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nên tích cực giám sát và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh với các đối tác nước ngoài.

Để góp phần thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh sản phẩm của ngành công nghiệp rất đa dạng, phong phú từ sản phẩm công nghệ cao, máy móc, cơ khí chính xác đến dệt may, cao su, hóa chất…nên mỗi lĩnh vực cần có sự đánh giá khác nhau cho phù hợp.

Tuy nhiên, điểm chung cũng là điểm cốt lõi là phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa, không chỉ từ các Bộ, ngành mà còn của cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội trong việc truyền thông, trao đổi để tận dụng lợi thế, hạn chế khó khăn do các FTA hay TPP đem lại và tăng cường ký kết các FTA mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu xây dựng qui trình quản lý phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh và chủ động nắm bắt cơ hội tham gia sâu vào chuỗi kinh tế toàn cầu./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục