Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến bất nhất

17:07' - 22/06/2018
BNEWS Với tâm thái thận trọng, các nhà đầu tư châu Á đã kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động khi nguy cơ chiến tranh thương mại "phủ bóng mây" lên các thị trường khu vực.
Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến bất nhất.Ảnh: Reuters/Tyrone Siu

Trong bối cảnh việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế lên một số mặt hàng chủ chốt của Mỹ (trong đó có quần jeans, rượu bonbour và xe máy) có hiệu lực, hiện có một số lo ngại rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ thực thi những lời đe dọa của họ. Điều đó đẩy ba nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc đối đầu khốc liệt.

Động thái của EU là nhằm trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với nhôm và thép nhập từ khối này, và diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc đe dọa sẽ “ăn miếng trả miếng” qua việc áp thuế lên tới hàng trăm tỷ USD đối với các sản phẩm và hàng hóa của nhau. Diễn biến đó đã tác động tới thị trường quốc tế và làm dấy lên lo ngại kinh tế toàn cầu có thể bị mất đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8% xuống 22.516,83 điểm. Thị trường chứng khoán Sydney mất 0,1%, còn chứng khoán Singapore sụt giảm 0,4%.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong tăng 0,15% (42,65 điểm) lên 29.338,70 điểm nhưng ước mất 3,18% giá trị trong cả tuần này. Trong lúc chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,49% (13,95 điểm) lên 2.889,76 điểm, nhưng mất khoảng 4,37% trong cả tuần này.

Thị trường chứng khoán Seoul tăng 0,8%, chứng khoán Manila và Bangkok cũng trong hướng đi lên, nhưng chứng khoán Wellington không đổi.

Mở cửa phiên sáng 22/6, các thị trường chứng khoán châu Âu hầu hết tăng điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London tăng 0,2% lên 7.571,78 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) giữ ở mức 12.507,72 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris nhích 0,3% lên 5.330,5 điểm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng euro tăng lên sau khi các bộ trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thông báo kết thúc cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 8 năm của Hy Lạp, với việc giảm nợ và một khoản thanh toán tiền mặt lớn như là một phần của thỏa thuận thoát khỏi chương trình cứu trợ. Một đồng euro “trao tay” ở mức 1,1633 USD = 1 euro, so với 1,1607 USD trước đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục