Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bài 1: Xu hướng đi lên chưa kết thúc

17:15' - 19/12/2017
BNEWS Việc VN-Index liên tục chinh phục những điểm số kỷ lục, phá vỡ những mốc đỉnh trong 10 năm qua, sau đó lại có những phiên "lao dốc" mạnh, đã đem lại cho nhà đầu tư rất nhiều cảm xúc...
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phát triển vượt bậc. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc VN-Index liên tục chinh phục những điểm số kỷ lục, phá vỡ những mốc đỉnh trong 10 năm qua, sau đó lại có những phiên "lao dốc" mạnh, đã đem lại cho nhà đầu tư rất nhiều cảm xúc, vui mừng và đan xen thất vọng giữa các phiên giao dịch.

Nhiều nhà đầu tư khá băn khoăn và lo lắng về một kịch bản tương tự từng xảy ra 10 năm trước, khi thị trường chứng khoán Việt Nam lên “cơn sốt” với chỉ số VN-Index đạt hơn 1.170 điểm rồi lao dốc chạm đáy.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mặc dù thời điểm hiện tại sự tăng trưởng của thị trường đang gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng năm 2017 thị trường chứng khoán đã cho thấy xu thế tăng trưởng mạnh mẽ và xu thế này vẫn còn nhiều dư địa.

Bài 1: Xu hướng đi lên chưa kết thúc

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã có những phiên giao dịch nhiều bất ngờ. Từ phiên mở màn của năm 2017, Vn- Index ở mốc 672,01 điểm cho đến nay đã liên tục leo lên các đỉnh cao, trải qua những phiên giao dịch tăng vọt, lình xình, giảm sâu.

Tuy nhiên đánh giá trong gần một năm qua, giới phân tích vẫn có cái nhìn khá lạc quan về xu hướng đi lên của thị trường trong thời gian tới.

Đặc biệt, sau những đợt bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài của Vinamilk, Sabeco, các nhà đầu tư dường như đang lạc quan với sự vận hành của thị trường chứng khoán Việt Nam.

*Còn nhiều dư địa tăng trưởng

Lúc 10h sáng ngày 8/9, VN-Index vượt mốc 800 điểm sau hơn 10 năm ngụp lặn dưới ngưỡng cản này.

Sau đó, VN-Index liên tiếp phá đỉnh, ngày 24/11 đạt 935,57 điểm và dễ dàng vượt qua mốc 940, 950 và 960 điểm nhờ các mã VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam), SAB (Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn), VIC (Tập đoàn Vingroup), MSN (MaSan Group), VRE (Công ty cổ phần Vincom Retail), BVH (Tập đoàn Bảo Việt)… thay phiên nhau đảm nhận vai trò dẫn dắt thị trường.

Sau đợt tăng trưởng mạnh này, thị trường đã có những phiên điều chỉnh sâu liên tiếp (phiên giao dịch từ ngày 5 đến 7/12) và VN- Index mất hơn 20 điểm trong một tuần (tuần giao dịch từ 4- 8/12).

Đến phiên 11/12, thị trường lại có phiên điều chỉnh sâu nhất kể từ đầu năm, VN- Index giảm gần 23 điểm.

Điều này được ví như gáo "nước lạnh" dội vào những kỳ vọng đang dâng cao của thị trường. Những phiên sao đó thị trường “ lình xình” đi ngang với tâm lý nghi ngại.

Tuy nhiên sự hứng khởi đã trở lại vào phiên đấu giá thoái vốn của SAB (phiên giao dịch 18/12), VN- Index đã tăng tới 22,9 điểm lên mức 958,06 điểm.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Công ty Chứng khoán Công Thương - VietinBankSc), nền tảng vĩ mô thuận lợi đang ủng hộ cho một xu hướng tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, dòng tiền nước ngoài đổ vào thị trường đang ở mức kỷ lục chưa từng thấy là yếu tố quan trọng giúp thị trường chinh phục các đỉnh cao mới từ nay tới hết quý I/2008.

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS cho rằng, Chứng khoán Việt nam đã và vẫn đang trong một xu thế tăng trưởng có lẽ là mạnh nhất kể từ năm 2006-2007.

Đợt tăng trưởng này dựa trên sự cải thiện rõ nét về lợi nhuận của các doanh nghiệp trên một bối cảnh tăng trưởng cao và lạm phát thấp, tỷ giá ổn định (môi trường lý tưởng cho một thị trường tăng giá), dòng tiền rất lớn đền từ nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào mua các doanh nghiệp lớn do nhà Nước thoái vốn như VNM, Sabeco và sắp tới là nhiều công ty lớn trong ngành dầu khí.

Thoái vốn tại Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)đã thực hiện theo kế hoạch. Ảnh minh họa: TTXVN

Cuối cùng, thị trường chứng khoán thế giới cũng đang trong một năm rất tích cực ủng hộ xu thế của thị trường Việt Nam.

Tuy vậy, vào thời gian gần đây thị trường đã có dấu hiệu tăng nóng với sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân sử dụng đòn bảy margin cao, định giá thị trường được đẩy lên ngưỡng cao nhất có lẽ là trong 10 năm gần đây tính từ năm 2007. Định giá P/E của chỉ số Vnindex lên tới 19 lần và cao hơn nhiều so với mức trung bình trong 2 năm gần đây.

Định giá thị trường Việt Nam lúc này rõ ràng là không còn rẻ nữa nhưng cũng chưa đến lúc để nói về sự đi xuống của thị trường.

Còn theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục xu thế tăng điểm. Giai đoạn tháng 11 đến tháng 1 cũng như giai đoạn tháng 3 đến tháng 4 hàng năm vẫn là giai đoạn thuận lợi cho thị trường.

Nếu làm một thống kê tổng hợp diễn biến thị trường chứng khoán trên các thị trường phát triển, mới nổi như Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan... thì các tháng kể trên là tháng mà thị trường chứng khoán giao dịch tốt.

Ngay cả thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không phải là ngoài lệ khi thời điểm đầu năm của các năm trước đây, thị trường chứng khoán đều có những diễn biến giao dịch khởi sắc.

Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn còn dư địa để tăng vượt tiếp các đỉnh mới hướng tới vùng 1.200 điểm ngay giai đoạn đầu năm 2018.

"Ngoài ra, nhìn về mặt bằng chung các mã cổ phiếu, P/E (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) của thị trường cũng chưa phải quá cao và cơ hội cho các giao dịch ngắn hạn cũng như hoạt động đầu tư trung và dài hạn vẫn hiện hữu", ông Khánh cho biết.

*Dự báo thị trường vẫn trong xu thế tăng trưởng mạnh

Mặc dù Vn-Index đã có những phiên điều chỉnh giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây và lực bán tập trung mạnh vào Bluechips như SAB, VNM, VIC, CTG, GAS, PLX, VCB, BID, HPG, … nhưng theo giới phân tích nhờ sự điều chỉnh khá sâu và trên diện rộng trong thời gian vừa qua, thị trường đã bớt rủi ro hơn.

Các phiên điều chỉnh này là điều tất yếu trong quá trình đi lên nhằm củng cố mặt bằng giá.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS, Sau đợt điều chỉnh vào đầu tháng 12 thì thị trường đã tăng trưởng trở lại đến sát vùng đỉnh trước đây của năm 2017 là 975 điểm.

Với tâm lý nhà đầu tư hiện tại vẫn lạc quan và nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh, thị trường hoàn toàn có khả năng sẽ vượt mức điểm trên vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1 năm 2018.

Mức điểm dự kiến của chỉ số VNINDEX là từ 985 đến 1040 điểm trong kịch bản lạc quan.

Định giá hiện giờ không rẻ nhưng các yếu tố như lợi nhuận doanh nghiệp cuối năm, sự đi lên mang tính chu kỳ của thế giới (chứng khoán thế giới thường đi lên trong chu kỳ cuối năm đến đầu năm dương lịch tiếp theo) và kỳ vọng từ những đợt thoái vốn sẽ có thể giúp chỉ số đạt ngưỡng điểm kỳ vọng trên..

Theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để đạt được các kỷ lục mới kể từ khi thành lập 1996 đến nay dưới góc độ vốn hóa, thanh khoản, giá trị giao dịch.

“VN-Index trong thời gian vừa qua liên tiếp đạt được các mốc điểm số 800, 900, 935 và vượt mốc 960 điểm, 970 điểm, gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư và ngay cả các chuyên gia dự báo chứng khoán”, ông Khánh nói.

Tuy thị trường đã có những phiên điều chỉnh mạnh, nhưng đây có thể là đợt điều chỉnh cần thiết để hướng đến các mốc cao hơn.

Có thể nhận thấy, thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán giao dịch bùng nổ, dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu hàng đầu các nhóm ngành thực phẩm, ngân hàng, tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, xây dựng..., lực cầu rất lớn không chỉ từ các cá nhân tổ chức đầu tư trong và ngoài nước.

“Có thể nói đó là thị trường chứng khoán đang ở một giai đoạn Uptrend (xu hướng đi lên) rất lớn”, ông Khánh nhận định.

Ông Khánh cũng chỉ ra những yếu tố khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ trong thời gian qua và còn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Thứ nhất, về ổn định chính trị, Việt Nam đang tập trung phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khả quan; tăng trưởng FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức cao. Chính trị ổn định đang là môi trường rất hấp dẫn cho đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ hai, số lượng các doanh nghiệp cổ phần hóa; doanh nghiệp nhà nước thoái vốn; số lượng IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Hàng không VietJet (mã chứng khoán: VJC), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (mã chứng khoán: SAB), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (mã chứng khoán: BHN), Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE) thu hút rất mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

“Dòng tiền gia tăng đột biến tập trung nhiều vào các "tân binh" mới niêm yết đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư trên thế giới cũng như trong khu vực”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, thời gian qua, các mốc điểm kháng cự mạnh đã bị chinh phục một cách rất ấn tượng.

Khi các chỉ số trung bình hay nhiều cổ phiếu lớn vượt các các ngưỡng cản kỹ thuật "beton" thì dường như ngay lúc đó, không chỉ tâm lý nhà đầu tư đạt mức tín nhiệm cao hơn mà các chỉ báo "mức giá mới" sẽ phản ánh xu hướng đi lên tiếp của cả thị trường chung.

Đây có thể nói là yếu tố tâm lý, niềm tin nhà đầu tư cũng đóng vai trò rất lớn trong quá trình tăng vượt các cứ điểm mới của VN-Index, VN30./.

Bài 2:Ngưỡng thử thách

Xem thêm:

>>>SCIC sắp chào bán cổ phần 4 doanh nghiệp có vốn hóa lớn

>>>Một nhà đầu tư sẽ chi 8.990 tỷ đồng để sở hữu 3,33% cổ phần của Vinamilk

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục