Thị trường điện mặt trời ở Việt Nam hiện có hấp dẫn?

15:03' - 21/08/2017
BNEWS Nhà đầu tư mong muốn có chính sách giá điện mặt trời dài hơi và ổn định hơn ở Việt Nam để có thể khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này hơn nữa.
Nhà đầu tư mong muốn có chính sách giá điện mặt trời dài hơi và ổn định hơn ở Việt Nam. Ảnh Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Phát triển năng lượng mặt trời đang là xu hướng tất yếu của thế giới nhờ ưu thế về giá và hiệu quả đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ ở quy mô nhỏ, các nhà đầu tư chưa chú trọng vào các dự án điện mặt trời do các chính sách liên quan đến phát triển nguồn năng lượng này chưa ổn định…

Đó là đánh giá của giới chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam – Xu hướng gần đây và các vấn đề mới nổi” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức ngày 21/8.

Giàu tiềm năng

Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm.

Tuy nhiên, dù tiềm năng rất lớn nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn chưa đáng kể. Hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ ở quy mô nhỏ.

Đơn cử, dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên là Nhà máy quang năng An Hội (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu), đây là dự án được triển khai từ năm 2014 và hoàn thành việc xây dựng lắp đặt và đấu nối vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo vào đầu tháng 12/2014 nhưng công suất chỉ đạt 36 kWp, điện lượng hơn 50 MWh.

Chỉ có một dự án điện mặt trời tại Quảng Ngãi nối lưới là dự án có quy mô tương đối lớn song cũng mới đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Mục tiêu phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) có tham vọng lớn hơn nhiều so với năm 2020, với công suất 6.000 MW điện gió và 12.000 MW điện mặt trời.

Điều này đồng nghĩa, điện gió tăng gần 8 lần và điện mặt trời tăng 15 lần. Đây là mục tiêu, nhưng cũng là thách thức rất lớn cho các cơ quan nhà quản lý nhà nước, EVN và các chủ đầu tư.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đánh giá, giá điện mặt trời ở Việt Nam được ưu đãi cao hơn nhiều so với các nước nhưng vẫn chưa đượcc nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án công suất cao, hiện nay mới chỉ duy nhất có Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chú trọng đầu tư vào các dự án lớn.

“Bỏ lỡ cơ hội này thực sự là điều đáng tiếc đối với các nhà đầu tư trong nước vì tiềm năng phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời ở Việt Nam là rất lớn” – ông Rainer Brohm, Công ty tư vấn Năng lượng tái tạo RB (Đức) nhận định.

Nói về những lo ngại đối với khả năng tác động đến môi trường của các tấm pin điện Mặt trời nếu được xây dựng với số lượng dày lên ở Việt Nam, ông Rainer Brohm cho rằng, các tấm pin năng lượng mặt trời hoàn toàn không có những nguy cơ gây hại đến môi trường giống như các nguồn nhiệt điện than.

Phân tích rõ hơn về nhận định này, ông cho biết, hoàn toàn không có một tác động gì từ các tế bào quang điện. “Nghĩa là không có khí phát thải gì ảnh hưởng đến môi trường khi chúng ta sản xuất các tấm tế bào quang điện” - ông Rainer Brohm cho biết.

Theo vị này, các tấm pin quang điện có thể sử dụng từ 1 – 4 năm, sau đó có thể tái chế, các nước châu Âu đã sản xuất và sử dụng tái chế các tấm pin năng lượng một cách rất hiệu quả.

Cần cơ chế ổn định về giá

Cũng theo vị chuyên gia người Đức, những tấm pin mặt trời không tạo ra âm thanh, không tạo ra khí phát thải, chỉ hơi tỏa nhiệt cao, do đó, chúng ta chỉ cần xem xét nên lắp đặt các tấm pin mặt trời ở xa sân bay là hợp lý hơn cả.

Ngoài việc xây dựng chính sách để thực hiện phát triển năng lượng điện tái tạo, các chuyên gia cho rằng, cần có những cơ chế về giá để hấp dẫn các nhà đầu tư hơn nữa.

Thị trường điện mặt trời ở Việt Nam hiện có nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Đỗ Đức Tưởng, Cố vấn Năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID Việt Nam cho rằng, việc đầu tư vào điện mặt trời ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Nhà đầu tư mong muốn có một chính sách giá điện mặt trời dài hơi và ổn định hơn để có thể khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này hơn nữa.

Tại hội thảo, các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đang rất hấp dẫn. Giá thiết bị điện mặt trời đang ngày càng rẻ (cách đây 5 năm, giá tấm pin điện mặt trời từ 3-4 USD/Wp thì đến nay chỉ còn khoảng 0,5 USD/Wp).

Từ thực tế này, giới chuyên cho rằng, ngoài đáp ứng về nguồn nhân lực, nhà nước cũng cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn (ví dụ như tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ…) để giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm chất lượng.

Đặc biệt, cần sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời hợp lý và cơ chế hòa lưới điện quốc gia; ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng và thực hiện thử nghiệm chất lượng để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời.

Theo bà Hoàng Thu Hường, Vụ phó Vụ Công nghệp Ủy ban kinh tế Trung ương, hệ thống cơ sở hạ tầng điện ở Việt Nam cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tuy nhiên, tới đây cần đầu tư phát triển hơn nữa để đáp ứng mục tiêu đặt ra, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cũng theo bà Hường, dư địa để sản xuất điện mặt trời ở Việt Nam rất lớn.

Chính phủ cũng đang đưa ra nhiều cơ chế về lĩnh vực giá cho điện mặt trời, điện gió nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển nguồn năng lượng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục