Thiếu vốn nghiêm trọng- Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục "lỡ hẹn"

16:23' - 24/07/2017
BNEWS Do thiếu hụt nguồn vốn nghiêm trọng nên tiến độ hoàn thành dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông theo kế hoạch đặt ra có thể bị lùi lại.
 

Lễ mở bạt thăm quan đoàn tàu mẫu tại nhà ga La Khê dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ngày 24/7, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện nay các nhà thầu thi công dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ dự án. Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn vốn nghiêm trọng nên tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch đặt ra có thể bị lùi lại.

Ông Phương cho hay, đến nay, số tiền tổng thầu chậm chi trả cho các nhà thầu phụ đã ở mức 600 tỷ đồng nên nhà thầu phụ rất khó khăn về vốn. Dù Ban đã luôn động viên nhà thầu khắc phục khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ, nhưng hiện nay các doanh nghiệp này quá khó khăn về vốn và phần vì lo ngại dự án chậm vốn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Hiện tại, hạ tầng của dự án đã hoàn thiện được 95% hạng mục xây dựng cơ bản. Phần việc còn lại không nhiều, chủ yếu là các hạng mục hoàn thiện như đường nội bộ, hàng rào ở khu Depot, công tác hoàn thiện các nhà ga.

Theo ông Phương, còn một số hạng mục xây dựng phải chờ lắp đặt xong thiết bị mới tiến hành hoàn thiện, nhưng thiết bị chưa về nên chưa thể làm tiếp. Đối với hạng mục thiết bị (gồm 12 chuyên ngành), Tổng thầu đã thực hiện đấu thầu, mua sắm. Tuy nhiên, việc chậm thanh toán cho các nhà chế tạo và cung cấp thiết bị khiến việc tập kết thiết bị về công trường rất chậm.

Giữa tháng 5 vừa qua, Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ khoản vay bổ sung cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông đã được ký kết giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Sau ký kết, hai bên sẽ phải hoàn thiện thư pháp lý để khoản vay này có hiệu lực.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần giải trình với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và China Eximbank để đàm phán các điều khoản liên quan đến pháp lý của 2 nước nhưng nguồn vốn vay bổ sung vẫn chưa được khơi thông.

Theo kế hoạch, cuối tháng 9/2017, dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị. Từ tháng 10/2017, dự án bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống; thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II/2018, dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Với tình hình tắc vốn cho dự án hiện nay, ông Phương cho biết nguy cơ chậm tiến độ là rất cao, không thể chắc chắn về đích theo tiến độ dự án.

Một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, nguy cơ dự án không đạt tiến độ như kế hoạch rất có thể xảy ra. Việc “khơi thông” nguồn vốn đã bị chậm 3 tháng và đang tiếp tục chậm trễ.

Ông Phương kiến nghị các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ đàm phán để khơi thông vốn. “Qua đợt mở cửa nhà ga La Khê cho thấy, người dân đang rất mong chờ dự án. Bản thân chúng tôi cũng nỗ lực ngày đêm để đáp ứng nhu cầu đó nhưng sẽ khó có thể làm gì sớm hơn nếu không có vốn. Ngoài ra, để dự án càng lâu, càng tốn kém cho nhà thầu thi công, nhất là các nhà thầu phải duy trì máy móc thiết bị tại hiện trường với chi phí rất lớn” – ông Phương cho hay.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án Cát Linh – Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Nhưng dự án đã “lỡ hẹn” đến tháng 4/2010 mới được động thổ và tháng 10/2011 mới chính thức triển khai. Sau khi điều chỉnh, đến thời điểm này tổng mức đầu tư của dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục