Thu hút FDI cần tính tới cách mạng công nghiệp 4.0

13:18' - 22/01/2018
BNEWS Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh đến mọi ngành công nghiệp. Do đó, cần ưu tiên thu hút FDI vào một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Công nhân sản xuất cơ khí ôtô tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Trong 30 năm qua, đầu tư nước ngoài (FDI) đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy việc thu hút và sử dụng FDI đang bộc lộ những mặt hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp mới nhằm đem lại hiệu quả tốt ở lĩnh vực này trong thời gian tới. 

* Bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế 

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào tháng 12-1987. Sau 30 năm, khu vực kinh tế có vốn FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Cụ thể, FDI đã góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, chiếm khoảng 20-25% vốn đầu tư xã hội, tạo việc làm cho gần 3,7 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp; đóng góp khoảng 18% tổng thu ngân sách, trên 55% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; Một số dự án FDI đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng như dầu khí, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo... Ngoài ra, sự có mặt của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh. 

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp FDI Việt Nam (VAFIE), trong 26 năm từ 1991 đến 2017, nước ta đã thu hút được 161,959 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991-2000 đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD, bằng 6,1 lần của giai đoạn 1991-2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001-2010. 

Riêng năm 2016, khu vực kinh tế FDI chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp; chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu; đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP. 

Tính luỹ kế đến ngày 20-9-2017, trên phạm vi cả nước có 24.200 dự án FDI đang hoạt động và tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt trên 167 tỷ USD bằng 54% tổng vốn đăng ký. Trong số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 55,8 tỷ USD (chiếm gần 18%), Nhật Bản đứng thứ 2 với 46,1 tỷ USD tiếp theo là Singapore và Đài Loan (Trung Quốc). 

Những con số thống kê trên thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế FDI ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, thực tế cũng cho thấy FDI đang bộc lộ những mặt hạn chế, thậm chí là tiêu cực như tình trạng gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, sử dụng công nghệ lạc hậu của một số dự án; tỷ lệ vốn FDI thực hiện còn thấp so với tổng vốn đăng ký; việc sử dụng tài nguyên còn lãng phí, số dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia và dự án Low-cacbon và dự án đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm còn ít… 

* Đề xuất định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới 

Để tổng kết đánh giá các mặt tích cực và hạn chế của FDI trong 30 năm qua và đề xuất định hướng thu hút FDI cho giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp FDI tiến hành tổng kết, trong đó có việc tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm thảo luận sâu các vấn đề cần quan tâm làm rõ. 

Với mục đích trên, ngày 17/10/2017, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức tọa đàm "Định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới" . Tại tọa đàm, bên cạnh việc tổng kết, đánh giá tình hình thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian qua, các đại biểu đã đưa ra nhiều khuyến nghị về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới. 

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, thời gian tới, cuộc Cách mạng 4.0 sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp. Do đó, cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏ cộng đồng... 

Bên cạnh đó, cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

GS Nguyễn Mại cũng cho rằng cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương. Đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng thì cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da dày nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường. 

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế đang có những chuyển biến lớn, chúng ta cần xem xét lại và xây dựng định hướng thu hút FDI với một số điểm nhấn như sau: yêu cầu về phát triển bền vững (thu hút đầu tư phải đảm bảo bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường); cần tính tới sự phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực tư nhân; cần chuyển hướng quan tâm về chất lượng thay vì số lượng; cần tính tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0… 

Ông Nguyễn Hoàng Tuyển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty VINATAPOL cho rằng, để phát triển FDI trong thời gian tới nên dựa vào đội ngũ Việt kiều đang sinh sống ở các nước, tận dụng dòng máu yêu tổ quốc chảy trong những người Việt kiều xa xứ. Ngoài ra, cũng cần chú trọng vào công nghiệp không khói và Công nghiệp 4.0, cùng với đó coi trọng chất lượng nguồn vốn, chất xám chứ không nên chỉ coi trọng con số lượng bao nhiêu triệu USD. 

Nhiều đại biểu tại Tọa đàm cũng cho rằng, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đón đầu Cách mạng 4.0. Cách mạng 4.0 có tác động to lớn, tích cực, mang lại cơ hội, nhưng chi phí chuyển đổi của quá trình này cũng rất lớn, từ chi phí đầu tư, xây dựng luật, thích ứng… Vì thế, Việt Nam cần hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, công nghệ, pháp lý, sở hữu, đồng thời cần thống nhất những vấn đề liên quan tới tranh chấp, bảo vệ quyền riêng tư… ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục