Hướng tới thu hút FDI có chọn lọc

10:06' - 17/01/2018
BNEWS Việt Nam ngày càng khẳng định được sức hấp dẫn của một quốc gia năng động, giầu tiềm năng, lợi thế về thị trường, vị trí địa lý, tài nguyên...
Việt Nam "tỏa sáng" trong thu hút FDI trong năm 2017 . Ảnh minh họa: TTXVN

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những điểm sáng ấn tượng nhất của Việt Nam trong năm 2017. Điều này cho thấy, Việt Nam ngày càng khẳng định được sức hấp dẫn của một quốc gia năng động, giầu tiềm năng, lợi thế về thị trường, vị trí địa lý, tài nguyên... Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, để phát huy đúng tầm của một nền kinh tế mở cửa như Việt Nam thì đây là thời điểm chúng ta khẳng định đẳng cấp của mình, khẳng định “chất” chứ không nên chạy theo số lượng.

Nhân tố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Kết thúc năm 2017, so với mục tiêu được Chính phủ đề ra, thu hút FDI đã đạt được kết quả trên cả mong đợi. Theo đó, tổng vốn thu hút và góp vốn, mua cổ phần của các dự án FDI đạt gần 36 tỷ USD. Đây là con số tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

“Chính trị ổn định và cải cách là những điểm thu hút đầu tư quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Đặc biệt, năm 2017 là năm Việt Nam thu hút được nhiều dự án “tỷ đô” và hầu hết các dự án này đều đến từ các đối tác truyền thống lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản…. Dẫn đầu danh sách các dự án lớn là Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.

Một dự án khác cũng đến từ nhà đầu tư Nhật Bản là Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với công suất 1.320 MW có tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD tại Khánh Hòa. Cùng đó, Tập đoàn Samsung đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam khi Dự án SamSung Display Việt Nam tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu xét về cơ cấu thì hiện vốn đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng lượng vốn đăng ký, cho thấy dòng vốn này đang “chảy” đúng hướng.

Điều này có nghĩa là vốn nước ngoài sẽ trực tiếp tham gia mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao tỷ lệ hàng hóa đã qua chế biến, từ đó nâng cao hàm lượng chất xám cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tiếp đến, lượng vốn đầu tư nước ngoài cũng nhắm vào lĩnh vực bất động sản; trong đó một phần quan trọng là những dự án xây dựng khách sạn, tổ hợp dịch vụ du lịch tổng hợp. Đây chính là các cơ sở phục vụ ngành du lịch, cho phép thu về những khoản lãi ròng liên tục…

Những thực tế trên thể hiện sự chủ động xúc tiến đầu tư, nhắm đến những dự án sử dụng công nghệ từ mức trung bình khá trở lên của Việt Nam; trong đó ưu tiên thu hút công nghệ cao và công nghệ nguồn cũng như lựa chọn những nhà đầu tư hàng đầu, giầu uy tín.

Chuyên gia về đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn đánh giá, việc cải thiện môi trường đầu tư của các địa phương cũng khá hơn rất nhiều; đồng thời, sự tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của hoạt động mua bán sáp nhập (M&A).

Sở dĩ có sự tăng trưởng mạnh hoạt động nhà đầu tư nước ngoài mua bán cổ phần của các doanh nghiệp Việt theo ông Toàn một mặt là do các nhà đầu tư nhận thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam tốt hơn, mặt khác bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh. Do đó, các nước sẵn sàng mua cổ phần, liên kết với các doanh nghiệp này.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, một sự bảo đảm xuyên suốt để thúc đẩy nhà đầu tư quốc tế gia tăng đầu tư vào Việt Nam là môi trường đầu tư thông thoáng hơn dưới sự điều hành của Chính phủ chính là động lực thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian qua.

Cần chính sách kết nối để tăng liên kết

Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định trong thu hút FDI, nhưng ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng, tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam có vị trí hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn đáp ứng được các tiêu chí về sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các Tập đoàn nước ngoài, còn lại, vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI.

Do đó, để nguồn vốn FDI đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, vấn đề đặt ra là cần tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, làm sao để doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Không những vậy, ông Nguyễn Mại cũng cho rằng chất lượng vốn mới là quan trọng nhất và một trong những yếu tố thể hiện chất lượng vốn chính là tác động lan tỏa đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích hợp; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực. Khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công của các doanh nghiệp FDI như Samsung…

Để tác động lan tỏa của khu vực FDI đối với doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tin, chủ động tiếp cận với doanh nghiệp FDI, đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực. Từ đó, các doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ.

"Hiện nay, Việt Nam có thể chọn lọc nhà đầu tư, cẩn trọng hơn với các dự án ảnh hưởng môi trường. Muốn có đầu tư FDI chất lượng cao, phải có cải cách thể chế để cạnh tranh", Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên lưu ý.

Các chuyên gia còn cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu kỹ các cơ hội, điều kiện và lợi thế để có biện pháp hữu hiệu trong việc tăng cường mời gọi vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Trước hết, cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung tận dụng một số hiệp định thương mại tự do đã ký với đối tác quốc tế.

Theo đó, trước mắt, Việt Nam cần gia tăng trình độ lao động, giảm dần lao động giá rẻ là chiến lược phải nghĩ tới. Bởi trong tương lai, đầu tư FDI vào Việt Nam đòi hỏi cung cấp lao động có trình độ nhiều hơn là lao động phổ thông.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, với làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra sôi động, Việt Nam cũng cần chủ động hơn trong hoạt động thu hút và sử dụng nguồn ngoại lực; trong đó, cần xác định rõ mục tiêu tăng chất lượng trong thẩm định dự án, giám sát quá trình thực hiện để nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực này.

Việt Nam sẽ phát huy tối đa quyền lựa chọn, chủ động tiếp nhận những dự án có trình độ công nghệ cao, hiện đại nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI cần có chiến lược hợp tác, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, chủ động giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, đáp ứng đúng nhu cầu của mình và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.

“Việt Nam sẽ chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, công nghệ cao, giá trị lan toả, nghiêm cấm các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường”, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục